Tìm kiếm "mấy đời"

Chú thích

  1. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  2. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  3. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  4. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  5. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  6. Cách gặt lúa ở Nghệ Tĩnh, hễ gặt đầy trong nắm tay thì gọi là một “tay,” hai tay nhập lại một thì gọi là một “gồi,” bốn gồi kết lại với nhau thành một “lượm,” bốn lượm cột lại thành một “bó,” hai bó là một “gánh” (đây là gánh lúa tám có tám lượm, người yếu hoặc lúa nhiều hạt nặng quá thì gánh lúa sáu, nghĩa là sáu lượm). Mỗi gánh lúa có 32 gồi tức là 64 tay, một trăm gánh có 6.400 tay hoặc 3.200 gồi.
  7. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  9. Niền
    Cái đai, cái vành của một vật gì (ví dụ như cối xay).
  10. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  12. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  13. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  14. Tình nhân
    Người yêu.
  15. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  16. Bận
    Mặc (quần áo).
  17. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  18. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  19. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  20. Đồng sinh đồng tử
    Sống chết có nhau.
  21. Đồng lần
    Lần lượt như nhau, trước sau rồi ai cũng có, cũng phải làm, phải chịu hoặc phải trải qua.
  22. Quân thân
    Vua và cha mẹ (từ Hán Việt). Theo đạo Nho, trung với vua và hiếu với cha mẹ là hai phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con người.
  23. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  24. Ngựa bạch
    Ngựa trắng.
  25. Rấp
    Chôn vùi đi không thấy nữa.
  26. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  27. Án
    Chặn lại, che lại (từ Hán Việt).
  28. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  29. Ảng
    Đồ chứa nước sinh hoạt hình tròn giống cái lu, được đúc bằng xi măng, thường thấy ở các vùng quê Quảng Nam.
  30. Lỗ lù
    Lỗ khoét trên thành hoặc dưới đáy các vật đựng nước hay ghe thuyền, dùng để xả nước khi cần.
  31. Mỗi cái ảng có một cái lù, nhưng nếu anh chàng này ngây thơ mà trả lời “hai cặp ảng là bốn cái lù” thì rơi vào bẫy của cô gái ngay, vì “bốn lù” nói lái lại thành “bú l…”
  32. Nằm co
    Tư thế nằm co rút chân tay lại khi thấy lạnh hoặc buồn.
  33. Hiếu sự
    Việc tang.
  34. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  35. Ba quân
    Người xưa chia quân đội thành ba cánh quân: tả quân (bên trái), trung quân (chính giữa) và hữu quân (bên phải), hoặc thượng quân (phía trên), trung quân, hạ quân (phía dưới), hoặc tiền quân (phía trước), trung quân, hậu quân (phía sau). Ba quân vì vậy chỉ quân đội nói chung, và chốn ba quân chỉ nơi chiến trường.
  36. Quần thoa
    Quần và trâm cài đầu, các vật dụng của phụ nữ. "Quần thoa" hay "khách quần thoa" vì thế chỉ người phụ nữ nói chung.
  37. Tây Thi
    Một trong tứ đại mĩ nhân thời Xuân Thu (Trung Hoa cổ đại). Tương truyền, nhan sắc nàng làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, (gọi là "trầm ngư"). Theo truyền thuyết, Tây Thi là người nước Việt, được dâng cho vua Ngô là Phù Sai. Phù Sai mê mẩn vẻ đẹp của Tây Thi, bỏ bê triều chính, cuối cùng mất nước vào tay vua Việt là Câu Tiễn.

    Tây Thi

    Tây Thi

  38. Việt
    Một nước chư hầu của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc, được biết đến với việc Việt vương Câu Tiễn nuôi chí phục quốc, đánh bại vua Ngô là Phù Sai. Đến thời Chiến Quốc, Việt bị Sở tiêu diệt.
  39. Văn Khương
    Công chúa nước Tề thời Xuân Thu, phu nhân của Lỗ Hoàn công, mẹ của Lỗ Trang công, nổi tiếng xinh đẹp. Bà loạn luân với người anh khác mẹ là Tề Tương công, dẫn đến việc Tề Tương công giết chết chồng bà là Lỗ Hoàn công, gây nên loạn lạc ở nước Lỗ.
  40. Tề
    Một nước thuộc thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ khoảng thế kỷ 11 đến năm 221 trước Công nguyên.
  41. Dồi
    Đánh phấn cho dính vào da.
  42. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  43. Lườn
    Mặt bên cạnh của ghe thuyền.
  44. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  45. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  46. Huyền Trang
    Thường gọi là Đường Tam Tạng hoặc Đường Tăng, một cao tăng sống vào thời Đại Đường ở Trung Quốc (nên cũng gọi là Đường Huyền Trang). Ông tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y), sinh khoảng năm 602-604 tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam, quy y từ rất sớm. Ông là người đã sang Ấn Độ (thời ấy gọi là Tây Trúc) để học Phật pháp trong nguyên gốc tiếng Phạn và đem về phổ biến ở Trung Quốc. Chuyến đi Ấn Độ của ông được dân gian thần thoại hóa, và được Ngô Thừa Ân chép lại thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa. Trong truyện, Đường Tăng được mô tả là một người hiền lành nhưng nhu nhược và u mê, thường bị yêu quái đón bắt để ăn thịt.

    Hình vẽ Đường Tăng

    Hình vẽ Đường Tăng

  47. La Sát
    Phiên âm từ tiếng Phạn Rakshasa (hay Raksha), chỉ một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của quỷ thần bất thiện trong đạo Hindu và đạo Phật. Ở nước ta, La Sát thường được dùng để chỉ của những nữ ác thần hay những phụ nữ có tính tình hung dữ. Hình tượng này đi vào dân gian bắt nguồn từ nhân vật Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) trong tác phẩm Tây Du Ký.
  48. Đây là một cuộc hát đối đáp xứ Nghệ khi bên trai bị bắt bí, dọa đốt nhà bên gái (!) “Tư tờ vô bộ” có nghĩa là gửi đơn vào bộ Hình.