Tìm kiếm "nước đôi"

Chú thích

  1. Lần khân
    Lần lữa, dây dưa, kéo dài ra mà không chịu quyết định.

    Chày sương chưa nện cầu Lam,
    Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?

    (Truyện Kiều)

  2. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  3. Bánh giá
    Một đặc sản của vùng Chợ Giồng (Tiền Giang), làm bằng bột gạo, nhân tôm và giá sống. Bánh được ăn kèm với bún, rau sống, rau thơm, nước mắm tỏi ớt...

    Bánh giá Chợ Giồng

    Bánh giá Chợ Giồng

  4. Chợ Giồng
    Một địa danh hiện thuộc thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh giá Chợ Giồng.
  5. Bánh phồng
    Tên chung của các loại bánh được làm từ bột ngũ cốc kết hợp gia vị, phụ gia, sau đó được chiên phồng trong mỡ nước hay dầu ăn. Bánh phồng có nhiều loại, trong đó phổ biến là bánh phồng mì, bánh phồng nếp, bánh phồng tôm, bánh phồng vẽ...

    Bánh phồng tôm

    Bánh phồng tôm

  6. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  7. Mỹ Lồng
    Còn gọi là Mỹ Luông, một cái chợ có từ lâu đời, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sách Gia Định thành thông chí chép: "Nơi bờ phía bắc (sông Bến Tre) là chợ Mỹ Luông (tên cũ của chợ Mỹ Lồng) phố xá liền lạc, người buôn bán tụ hội đông đảo." Nơi đây nổi tiếng với đặc sản bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, được chia làm nhiều loại: bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh ngang chỉ có dừa không sữa; bánh sữa không dừa...

    Bánh tráng Mỹ Lồng

    Bánh tráng Mỹ Lồng

  8. Sơn Đốc
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nổi tiếng với đặc sản bánh phồng.

    Bánh phồng Sơn Đốc

    Bánh phồng Sơn Đốc

  9. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  10. Hàm Luông
    Một trong các nhánh của sông Tiền, là ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và Minh, dài 70 km, chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre. Trên sông có những cù lao hoặc cồn đất nổi tiếng như: cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Lăng, cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Đất, cồn Hố, cồn Lợi... Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

  11. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  13. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  14. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  15. Thạnh Phú
    Một huyện của tỉnh Bến Tre, có Cồn Lợi nổi tiếng là một "mỏ nghêu." Huyện Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Mỏ Cày, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung là sông Hàm Luông.
  16. Ba Vát
    Còn gọi Ba Việt, địa danh gốc Khmer (Pears Watt, nghĩa là là chùa Phật). Vào thế kỷ XVIII, nơi đây là huyện lỵ của huyện Tân An - một trung tâm kinh tế khá phồn thịnh thời bấy giờ. Hiện nay Ba Vát là một thị trấn thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Do cách phát âm của người Nam Bộ, một số tài liệu địa danh này cũng được ghi thành Ba Giác.
  17. Chợ Giữa
    Một địa danh thuộc xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
  18. Giồng Trôm
    Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
  19. Chợ Lách
    Một huyện nằm ở phía tây tỉnh Bến Tre, nằm giữa sông Hàm Luông ở phía Bắc và sông Cổ Chiên ở phía Nam.
  20. Cái Mơn
    Một địa danh nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, được xem là vựa cây trái nổi tiếng nhất nhì vùng Nam Bộ.

    Về địa danh Cái Mơn, có ý kiến giảng rằng: Cái, từ cổ nghĩa là con rạch. Mơn là do nói trại từ khmum, tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Ngày xưa, nơi con rạch này có nhiều tổ ong mật.

  21. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  22. Kho Bạc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kho Bạc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  23. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  24. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  25. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  26. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  27. Sơn Hà
    Tên một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
  28. Núi Thiên Ấn
    Gọi tắt là núi Ấn, dân gian còn gọi là núi Hó, là một ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, cao chừng 100m, bốn phía sườn có hình thang cân như chiếc ấn niêm cạnh dòng sông nên người xưa gọi là Thiên Ấn Niêm Hà. Cùng với sông Trà, núi Ấn được xem là biểu tượng của Quảng Ngãi, vì thế Quảng Ngãi còn được gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Núi Ấn

    Núi Ấn

  29. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  30. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  31. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  32. Núi Thiên Bút
    Một ngọn núi nhỏ nằm ở địa phận xã Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi. Núi cao 60m, hình chóp nón, trên núi nhiều cây, trông xa tựa như ngọn bút lông chỉ lên trời. Về phía đông núi có hòn Nghiên tựa như nghiên mực. Vào buổi chiều tà có dải mây thấp thoáng in bóng đàn nhạn bay qua đỉnh núi, người xưa thường bảo ấy là lúc “Thiên Bút phê vân” (bút trời viết lên mây). Núi tượng trưng cho văn khí của Quảng Ngãi. Hiện nay trên đỉnh núi còn dấu tích một đền tháp Champa cổ.

    Núi Thiên Bút

  33. Quán Đàng
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở phía Nam núi Thiên Bút, gần cầu Bàu Giang. Tục truyền xưa kia nơi ấy có một quán nhỏ bên đường mà khách bộ hành xuôi ngược thường dừng lại nghỉ chân, uống bát nước chè xanh, bàn đôi câu chuyện vãn. Cái tên Quán Đàng sinh ra từ đó.
  34. Siêu
    Loại ấm có tay cầm, dùng để đun nước hay sắc thuốc.
  35. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  36. Tộ
    Cái tô bằng đất nung, thường dùng để kho thịt, cá. Những món kho trong tộ gọi là kho tộ (thịt heo kho tộ, cá lóc kho tộ...)

    Cá kho tộ

    Cá kho tộ

  37. Đường non
    Đường được tạo thành từ mía qua một giai đoạn gọi là nấu đường. Nước ép mía được đổ vào những chảo gang, đặt trên lò lửa. Thợ lò chờ nước đường được nấu đến “độ” thì múc ra thùng gỗ, dùng chày đánh nước đường cho sánh đặc lại rồi rót vào những cái bát to làm bằng nhôm, có phết một lớp dầu phộng (để dễ gỡ đường). Một lát sau đường nguội thì gỡ ra, xếp theo cặp, cho vào những chiếc rổ to gánh về phơi cho khô. Loại đường này gọi là đường bát hay đường tán.

    Đường non là nước đường nấu chưa tới "độ." Thợ lò múc một ít đường, đổ vào bẹ chuối và nghiêng cho đường tráng đều bẹ chuối là được. Khi đường non nguội thì sánh lại và có màu vàng, dẻo, vị ngọt thanh, rất thơm ngon.

  38. Cá mòi
    Một loại cá thuộc họ cá trích, có tập tục bơi thành đàn từ biển ngược lên nguồn vào tháng giêng để đẻ trứng, vì vậy nhân dân ta thường giăng lưới bắt cá mòi ở sông vào dịp này. Cá mòi ngon nhất là trứng cá, và thường được chế biến thành các món nướng, món kho. Cá mòi có hai loại: cá mòi lửa và cá mòi he.

    Cá mòi

    Cá mòi

  39. Cá nục
    Một loại cá biển, có rất nhiều ở các vùng biển miền Trung. Cá nục được dùng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn ngon như cá nục sốt cà, cá nục kho, cá nục hấp cuốn bánh tráng...

    Cá nục

    Cá nục

  40. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  41. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  42. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  43. Vằng
    Một dụng cụ dùng để gặt lúa ở miền Trung, tương tự như cái liềm, nhưng đằng sau có thêm cái móc bằng một nhánh tre nạng để móc cây lúa nằm sâu dưới nước. Từ này cũng được phát âm thành giằng ở một số địa phương.
  44. Có bản chép: Anh làm thợ mộc Thanh Hoa.
  45. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  46. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  47. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  48. Khung cửi
    Dụng cụ dệt vải truyền thống của nhiều dân tộc Việt Nam. Khung cửi có hình hộp chữ nhật có 4 cột trụ và các thanh nối ngang dọc tạo cho khung cửi có tính chất vững chắc. Khung cửi có nhiều bộ phận:

    1. Khung: làm bằng gỗ với 4 cột trụ to, chắc, có các thanh dọc, ngang nối với nhau.
    2. Trục: một thanh gỗ tròn ngang để cuốn vải, kéo cho mặt vải dệt có độ phẳng để dệt vải mịn.
    3. Phưm: giống như chiếc lược được làm hình chữ nhật, bên trong đan bằng nan tre vót nhỏ, đều nhau. Phưm có tác dụng chia đều các sợi vải dọc và dập chặt các sợi vải ngang để cho mặt vải mịn đều.
    4. Go: Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài chừng 7 tấc. Go là bộ phận chính trong khung cửi.
    5. Bàn đạp: Hai thanh gỗ để đạp chân lên, buộc 2 sợi dây đính với go để điều chỉnh sợi lên xuống để đưa thoi vào dệt sợi ngang.
    6. Thanh ngáng sợi: Một thanh gỗ to bề ngang khoảng 10cm, để ngang giữa 2 làn sợi dọc cho cao lên để đưa thoi qua dễ dàng.

    Dệt bằng khung cửi

    Dệt bằng khung cửi

  49. Chợ Huyện
    Tức chợ Thu Xà, thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Xem chú thích Thu Xà.
  50. Giấy quyến
    Loại giấy rất mỏng dùng để quấn thuốc lá hút.
  51. Sa Huỳnh
    Một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc trại ra thành Sa Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

  52. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  53. Mược
    Mặc kệ (phương ngữ miền Trung).
  54. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  55. Sông Vệ
    Một con sông ở tỉnh Quảng Ngãi, bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc huyện Ba Tơ, chảy theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, xuyên qua các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, qua giáp ranh giữa Mộ Đức và Tư Nghĩa, rồi đổ ra biển Đông tại cửa Lở. Sông Vệ cũng là tên một thị trấn thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

    Sông Vệ nhìn từ trên không

    Sông Vệ nhìn từ trên không

  56. Chợ Gò
    Tức chợ Quán Lát, một cái chợ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
  57. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  58. Thi Phổ
    Tên một làng nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có nghề làm mạch nha truyền thống nổi tiếng cả nước.
  59. Dắt Dây
    Tên một nhánh sông thuộc hệ thống sông Thi Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  60. Đồng Cát
    Tên chợ trung tâm của huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
  61. Lò Thổi
    Một địa danh nay thuộc xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là vùng rừng núi. Có người cho rằng, vùng này có tên gọi như vậy vì từng là nơi nghĩa quân của Nguyễn Tự Tân (thuộc phong trào Cần Vương) khai thác và nấu quặng sắt để rèn đúc vũ khí.
  62. Tú Sơn
    Một địa danh nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trước là khu đồng rộng.
  63. Quán Sạn
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Quán Sạn, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  64. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  65. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  66. Sông Trà Câu
    Một con sông thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Sông dài 40km, bắt nguồn từ vùng Hồng Thuyền, Vực Liêm (phía Nam đèo Đá Chát) chảy xuyên qua huyện Đức Phổ để ra cửa biển Mỹ Á.
  67. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  68. Một số nguồn có thêm hai câu sau đây ở đầu bài:

    Kéo nhau qua cửa Hùng Quan
    Chim muôn tiếng hát, hoa ngàn hương đưa.

    Cửa Hùng Quan chính là cửa ải Hải Vân, ngăn giữa Huế và Đà Nẵng, không liên quan đến Quảng Ngãi. Vì vậy chúng tôi đặt dấu chấm hỏi ở đây.

  69. Có bản chép: Chị Bảy, anh Bảy.
  70. Thiên
    Một nghìn (từ Hán Việt, từ cổ).
  71. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  72. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  73. Có bản chép: Mít non.
  74. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  75. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  76. Theo Bảo Định Giang: Một thiên [cá] mòi theo cách quen dùng của một số địa phương là tính con số trăm chứ không tính con số ngàn [...] đã thế lại thêm rau răm là món độn dưới đáy quả, cá mòi xếp lên mặt quả, quả trông đầy nhưng được mấy con (Những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX).
  77. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  78. Nghĩa Hành
    Địa danh nay là huyện trung du duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
  79. Tam Bảo
    Tên một phiên chợ ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Chợ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng thuộc các quận Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà. Đây có lẽ là phiên chợ xuất hiện lâu đời nhất tại Quảng Ngãi và còn tồn tại mãi cho đến sau này. Không rõ đích xác chợ xuất hiện lần đầu tiên vào năm nào, và nơi họp đầu tiên là ở đâu, nhưng đến đời vua Tự Đức thì chợ chính thức tọa lạc tại Kim Thành Hạ (Nghĩa Hành). Chợ họp ngày mồng hai và mồng bảy âm lịch mỗi tháng, với nhiều mặt hàng, trong đó nổi tiếng có chè bó, chè búp.
  80. Ô Loan
    Một đầm nước lợ thuộc tỉnh Phú Yên, dưới chân đèo Quán Cau, lấy nước từ sông Cái và một số sông nhỏ khác. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải. Đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  81. Long Thủy
    Tên cũ là Mỹ Á, một ngôi làng trước thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng nằm sát biển, nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thủy rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn. Tại đây có bãi biển Long Thủy, nhìn ra xa là cụm Hòn Chùa, Hòn ThanHòn Dứa.
  82. Có bản chép: anh.
  83. Lá trầu lương
    Lá trầu nằm ở sát gốc, mọc ra từ thân chính của dây trầu. Lá trầu lương dày, xanh thẫm, chỉ dùng để làm thuốc, không dùng để ăn.
  84. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  85. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).