Tìm kiếm "ba bà"

  • Anh chê thuyền thúng chẳng đi

    – Anh chê thuyền thúng chẳng đi,
    Anh đi thuyền ván có khi gập ghềnh
    Ba chìm bảy nổi lênh đênh
    – Em chê thuyền ván chẳng đi,
    Em đi thuyền thúng có khi trùng triềng
    Có khi đổ ngả đổ ngiêng

    Dị bản

    • Em chê thuyền thúng chẳng đi
      Em đi thuyền ván có khi gập ghềnh
      Ba chìm bảy nổi lênh đênh
      Có khi đổ ngửa đổ nghiêng thiệt thòi

  • Bồng em đi dạo vườn cà

    Bồng em đi dạo vườn cà
    Trái non chấm mắm, trái già làm dưa
    Làm dưa ba bữa chưa chua,
    Chị kia xách dĩa lại mua ba đồng
    Ba đồng mắc lắm chị ơi
    Cho thêm mớ nữa cho vừa bữa ăn

  • Một năm chia mười hai kì

    Một năm chia mười hai kì
    Em ngồi em tính khó gì chẳng ra
    Tháng giêng ăn tết ở nhà
    Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm
    Tháng ba đi bán vải thâm
    Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về
    Tháng sáu em đi buôn bè
    Tháng bảy tháng tám trở về đong ngô
    Chín, mười cắt rạ đồng mùa
    Một, chạp vớ được anh đồ dài lưng
    Anh ăn rồi anh lại nằm
    Làm cho em phải quanh năm lo phiền
    Chẳng thà lấy chú lực điền
    Gạo bồ thóc đống còn phiền nỗi chi?

  • Nghé ơ nghé

    Nghé ơ nghé
    Nghé bông hay là nghé hoa
    Như cà mới nở
    Mẹ cõng xuống sông
    Xem rồng lấy nước
    Mẹ gọi tiếng trước
    Cất cổ lên trông
    Mẹ gọi tiếng sau
    Cất lồng lên chạy
    Lồng ba lồng bảy
    Lồng về với mẹ
    Nghé ơ
    Mày như ổi chín cây
    Như mây chín chùm
    Như chum đựng nước
    Như lược chải đầu
    Cắn cỏ ăn no
    Kéo cày đỡ mẹ
    Việc nặng phần mẹ
    Việc nhẹ phần con
    Kéo nỉ kéo non
    Kéo đến quanh tròn
    Mẹ con ta nghỉ
    Ông khách hỏi mua
    Nhà ta chả bán
    Ông khách hỏi hoạn
    Nhà ta chẳng cho
    Nghé ơ

  • Cốc, cốc, cốc

    Cốc, cốc, cốc
    Con vỏi, con voi
    Cái vòi đi trước
    Vì mày phản nước
    Ta bẻ mất ngà
    Mày bỏ ông bà
    Bỏ bầy bỏ bạn
    Bỏ cày ruộng cạn
    Bỏ cày ruộng sâu
    Tham của tham giàu

  • Đồng ếch đồng ác

    Đồng ếch đồng ác
    Con đã về đây
    Giường chiếu chẳng có
    Thiệt thay trăm đường
    Ban ngày ếch ở trong hang
    Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
    Trời cho quan tướng nhà trời
    Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
    Tìm tôi bắt bỏ vào thời
    Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
    Sáng rạng ngày ra
    Con dao cái thớt xách mà đem băm
    Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
    Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
    Một thằng gắp miếng tù và
    Nó thổi phì phà, nó lại khen ngon

    Dị bản

    • Hồn ếch ta đã về đây
      Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
      Ở bờ những hốc cùng hang
      Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
      Lạy trời cho đến tháng ba
      Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
      Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
      Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
      Trước kia ta vẫn tu thân
      Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
      Ta gặp thằng bé đen đen
      Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
      Ta gặp thằng bé đen sì
      Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
      Nó có chiếc nón đội đầu
      Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
      Nó có cái quạt cầm tay
      Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
      Nó có chiếc cán thon thon
      Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
      Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
      Nó giật một cái đã sai quai hàm
      Mẹ ơi lấy thuốc cho con
      Lấy những lá ớt cùng là xương sông
      Ếch tôi ở tận hang cùng
      Bên bè rau muống phía trong bè dừa
      Thằng Măng là chú thằng Tre
      Nó bắt tôi về làm tội lột da
      Thằng Hành cho chí thằng Hoa
      Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!

  • Hoa ơi hoa nở làm chi

    Hoa ơi hoa nở làm chi
    Hoa nở lỡ thì, lại gặp mùa đông
    Chồng lớn, vợ bé đã xong
    Chồng bé, vợ lớn trong lòng đắng cay
    Dăm ba thước lụa cầm tay
    Đã toan tự vẫn ở đây không về
    Đẹp lòng ông cậu bà dì
    Ông bà chú bác ăn gì cho ngon
    Đắng này xem tựa bồ hòn
    Chát này xem tựa sung non ngậm vào

  • Đất Đồng Môn dệt vải

    Đất Đồng Môn dệt vải,
    Đất Cổ Đạm vắt nồi,
    Bố Chính vắt bình vôi
    Đất Xuân Liệu bầy tui
    Ra bắt nạm cáy hôi
    Về đâm đâm, phơi phơi.
    Tay tui múc miệng mời,
    Ruốc tui ngon lắm bà ơi,
    Ngon bằng năm ruốc họ,
    Ngon bằng mười ruốc họ

    Dị bản

    • Đất Đồng Môn dệt vải,
      Đất Cổ Đạm vắt nồi,
      Còn Thạch Hạ bầy tui
      Bắt một nạm cáy hôi
      Về đâm đâm phơi phơi
      Đem lên chợ tỉnh ngồi
      Tay mút miệng thì mời
      Ngon ngon lắm người ơi
      Ngon bằng năm ruốc bể
      Ngọt bằng mười ruốc bể

    • Đất Văn Tràng chạy cá
      Đất Trung Hạ đết vôi
      Đất Kỳ Thọ bầy tui
      Bắt ba nạm cáy hôi
      Về đâm đâm phơi phơi
      Đưa ra trửa chợ mà ngồi
      Ruốc tui ngon lắm mệ ơi
      Ngon bằng năm ruốc bể
      Ngon bằng mười ruốc bể

  • Nhờ ai cho gà đỏ đuôi

    Nhờ ai cho gà đỏ đuôi
    Nhờ ai mà được cưỡi voi, ngồi thuyền
    Nhờ ai có bạc, có tiền
    Nhờ ai mà có nàng tiên đứng hầu
    Nhờ ai có ruộng, có trâu
    Nhờ ai mà có mâm thau, đũa ngà
    Nhờ ai có lụa, có là
    Vợ gọi bằng bà, con gọi cậu, cô
    Đến khi giặc Pháp tràn vô
    Quan nhỏ tếch mất, quan to chạy dài
    Ai ơi, có thế chăng ai?

  • Bến Tre nước ngọt lắm dừa

    Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
    Ruộng vườn màu mỡ biển thừa cá tôm
    Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
    Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
    Xoài chua, cam ngọt Ba Lai
    Bắp thì chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa
    Mắm, bần ven đất phù sa
    Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm
    Quýt đường, vú sữa ngổn ngang,
    Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri
    Xẻo Sâu cau tốt ai bì
    Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong
    Muối khô ở Gảnh mặn nồng
    Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng
    Bến Tre trai lịch, gái thanh
    Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa.

  • Ông trẳng, ông trăng

    Ông trẳng, ông trăng
    Xuống chơi với Bụt
    Ông Bụt cho chùa
    Chơi với ông vua
    Ông vua cho lính
    Xuống chơi ông chánh
    Ông chánh cho mõ
    Xuống chơi nồi chõ
    Nồi chõ cho vung
    Xuống chơi cây sung
    Cây sung cho nhựa
    Xuống chơi con ngựa
    Con ngựa cho gan
    Xuống chơi bà quan
    Bà quan cho bạc
    Xuống chơi thợ giác
    Thợ giác cho bầu
    Xuống chơi cần câu
    Cần câu cho lưỡi
    Xuống chơi cây bưởi
    Cây bưởi cho hoa
    Xuống chơi vườn cà
    Vườn cà cho trái
    Xuống chơi con gái
    Con gái cho chồng
    Xuống chơi đàn ông
    Đàn ông cho vợ
    Xuống chơi kẻ chợ
    Kẻ chợ cho voi
    Xuống chơi cây sòi
    Cây sòi cho lá
    Xuống chơi con cá
    Con cá cho vây
    Xuống chơi ông thầy
    Ông thầy cho sách
    Xuống chơi thợ ngạch
    Thợ ngạch cho dao
    Xuống chơi thợ rào
    Thợ rào cho búa
    Trả búa thợ rào
    Trả dao thợ ngạch
    Trả sách ông thầy
    Trả vây con cá
    Trả lá cây sòi
    Trả voi kẻ chợ
    Trả vợ đàn ông
    Trả chồng cô gái
    Trả trái cây cà
    Trả hoa cây bưởi
    Trả lưỡi cần câu
    Trả bầu thợ giác
    Trả bạc bà quan
    Trả gan con ngựa
    Trả nhựa cây sung
    Trả vung nồi chõ
    Trả mõ ông chánh
    Trả lính ông vua
    Trả chùa ông bụt
    Đâm thụt lên trời.

    Video

  • Cơ khổ cho đứa giữ trâu

    Cơ khổ cho đứa giữ trâu
    Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
    Hai hàng nước mắt nhỏ sa
    Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
    Tinh sương thức dậy mở trâu
    Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
    Thân tôi đi sớm về trưa
    Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
    Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
    Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm

  • Vè chửi Pháp và vua quan

    Tổ cha thằng bố cu gồ
    Làm cho tao phải dọn đồ xuống ao
    Giường thờ thì ngâm xuống ao
    Lại bắt ông vải chui vào bụi năn
    Vợ chồng nói chuyện thì thầm
    Đêm ngày cắp bị ra nằm cồn Me
    Nằm thì lắng tai mà nghe
    Nó đang đốt ở ngoài nghè Phú Vinh
    Súng thì nó bắn ình ình
    Mẹ con giật mình lại phải chạy xa
    Sớm mai nó đốt Mỹ Đà
    Cửa nhà tan nát, vại cà sạch không
    Bấy giờ vợ mới biểu chồng
    “Thôi thôi ta phải dốc lòng xin đi”
    Chồng thì nó bắt cu li
    Vợ thì mặt bủng da chì mà lo
    Chẳng qua đến lúc mạt đồ
    Nước Nam có đám sao cờ mọc ra
    Triều đình bảy vía còn ba
    Quân Tây vừa dọa đái ra đầy quần
    Cho nên mới khổ đến dân
    Tổ tiên cũng bị muôn phần lao đao.

Chú thích

  1. Đục đá
    Khai thác đá núi để sản xuất các dụng cụ dân sinh như cầu cống, cối giã gạo, cối xay bột… Đây là nghề phổ biến ở một số làng quê gần các núi đá (lèn) ở Nghệ An - Hà Tĩnh.
  2. Thuyền thúng
    Một loại thuyền làm từ thúng lớn, trét dầu rái để không bị ngấm nước.

    Chèo thuyền thúng.

    Chèo thuyền thúng.

  3. Có bản chép: Dập dềnh.
  4. Trùng triềng
    Như tròng trành. Nghiêng qua nghiêng lại, không giữ được thăng bằng.
  5. Có bản chép: Rủ nhau.
  6. Nâu sồng
    Màu được nhuộm từ củ nâu và lá của cây sồng; dùng để chỉ quần áo của nhà chùa hay của người dân quê miền Bắc thường mặc.

    Áo nâu sồng

    Áo nâu sồng

  7. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  8. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  9. Tháng một
    Tháng thứ mười một trong âm lịch, tục gọi là tháng Một (không phải là nói tắt của "tháng Mười Một").
  10. Chạp
    Tháng thứ mười hai âm lịch. Có thuyết cho chạp do đọc trạch từ tiếng Hán lạp nguyệt mà ra.
  11. Lực điền
    Người làm ruộng có sức khỏe.
  12. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  13. Rộc
    Đất trũng ven các cánh đồng, hoặc giữa hai sườn đồi núi. Cũng có nghĩa là ngòi nước nhỏ, hẹp.
  14. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  15. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  16. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  17. Xở xang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  18. Thời
    Cái giỏ cá (phương ngữ).
  19. Tù và
    Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.

    Tù và ếch xào măng

    Tù và ếch xào măng

  20. Ngóe
    Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
  21. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  22. Tự vẫn
    Tự tử bằng cách đâm vào cổ. Có khi nói thành tự vận.
  23. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  24. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  25. Đồng Môn
    Địa danh xưa là một xã thuộc tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An, nay thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
  26. Cổ Đạm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất nổi tiếng về truyền thống lịch sử và văn hoá với “nôi” ca trù Cổ Đạm, nghề làm gốm cổ truyền (nồi đất Cổ Đạm) và nhiều di tích lịch sử - văn hoá như Đình Hoa Vân Hải, đền Phan Tôn Chu, Đền Nguyễn Xí, Đền Cửa Bà, Chùa Bến, Đền Tống...

    Làm gốm ở Cổ Đạm

    Làm gốm ở Cổ Đạm

  27. Bố Chính
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bố Chính, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Xuân Liễu
    Cũng phát âm thành Xuân Liệu, tên một xã cũ thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
  29. Bầy tui
    Chúng tôi, bọn tôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  30. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  31. Cáy hôi
    Một giống cáy chân có lông, được xem là nguyên liệu làm mắm cáy ngon nhất.
  32. Thạch Hạ
    Địa danh nay là một xã thuộc thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
  33. Văn Tràng
    Mộ làng thuộc xóm Bắc Hải xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  34. Chạy cá
    Buôn bán cá.
  35. Trung Hạ
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
  36. Đết
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đết, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Kỳ Thọ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  38. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  39. Mệ
    Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  40. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  41. Tếch
    Bỏ đi, chuồn đi.
  42. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  43. Sầu riêng
    Loại cây ăn quả thường gặp ở Nam Bộ, vỏ dày, có nhiều gai, cơm quả màu vàng nhạt và có mùi rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là sầu riêng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến Tre. Tên gọi sầu riêng bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer thurien.

    Quả sầu riêng

    Quả sầu riêng

  44. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  45. Cái Mơn
    Một địa danh nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Nơi đây nổi tiếng với những vườn cây ăn trái, được xem là vựa cây trái nổi tiếng nhất nhì vùng Nam Bộ.

    Về địa danh Cái Mơn, có ý kiến giảng rằng: Cái, từ cổ nghĩa là con rạch. Mơn là do nói trại từ khmum, tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Ngày xưa, nơi con rạch này có nhiều tổ ong mật.

  46. Cồn Lợi
    Một cái cồn thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, nằm ở phía nam cửa Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. Khoảng 30 năm về trước cồn còn cách bờ khoảng 3km, nay được bãi bồi nối liền với đất liền, trở thành bán đảo. Đây là một "mỏ nghêu" nổi tiếng của Bến Tre.
  47. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  48. Ba Lai
    Tên một con sông ở tỉnh Bến Tre, dài khoảng 55 km, chảy qua huyện Châu Thành, và là ranh giới tự nhiên giữa huyện Bình Đại với Giồng TrômBa Tri.
  49. Chợ Giữa
    Một địa danh thuộc xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
  50. Mỹ Hòa
    Tên một xã thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  51. Mắm
    Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.

    Cây mắm

    Cây mắm

  52. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  53. Phù sa
    (Từ Hán Việt: phù: nhẹ, nổi, sa: cát) là các hạt nhỏ và mịn, có nguồn gốc từ các loại đá vụn bở di chuyển theo các dòng nước như sông suối, kênh rạch. Đất có chứa phù sa rất tốt cho cây trồng.

    Dòng nước chứa phù sa

    Dòng nước chứa phù sa

  54. Bà Hiền
    Tên một con rạch chảy qua địa bàn xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đổ ra cửa sông Hàm Luông.
  55. Tân Thủy
    Tên một xã nằm ven biển thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  56. Sóc Sãi
    Tên một con rạch dài 9km, hình dáng như một vòng cung, bắt đầu từ xã Tiên Thủy, chảy ngang qua chợ Sóc Sãi rồi đổ ra sông Hàm Luông.
  57. Ba Tri
    Địa danh nay là một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Đình Chiểu (Đồ Chiểu) - nhà yêu nước, nhà giáo, nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19.

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

    Đền thờ Đồ Chiểu ở Ba Tri, Bến Tre

  58. Xẻo Sâu
    Địa danh nay xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, thuộc vùng nước ngọt, xưa trồng nhiều cau.
  59. Thạnh Phú
    Một huyện của tỉnh Bến Tre, có Cồn Lợi nổi tiếng là một "mỏ nghêu." Huyện Thạnh Phú nằm ở cuối cù lao Minh, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp huyện Mỏ Cày, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh ngăn cách bởi con sông Cổ Chiên, phía bắc giáp huyện Ba Tri, có ranh giới chung là sông Hàm Luông.
  60. Thạnh Phong
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nằm bên cửa Cổ Chiên.
  61. Gảnh
    Địa danh có thể là gảnh Bà Hiền, gảnh Mù U ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gảnh là nơi tiếp giáp giữa giồng với đầm lầy, hoặc khu đất trũng do phù sa bồi đắp nên.
  62. Giồng Trôm
    Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
  63. Phong Nẫm
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nằm ở ngã tư sông giữa kênh Giao Hòa và sông Ba Lai.
  64. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  65. Chánh tổng
    Gọi tắt là chánh, chức quan đứng đầu tổng. Cũng gọi là cai tổng.
  66. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  67. Nồi chõ
    Nồi hai tầng, tầng trên có lỗ ở đáy, dùng để đồ xôi (hấp gạo nếp cho chín thành xôi).

    Nồi chõ

    Nồi chõ

  68. Thợ giác
    Người làm nghề giác hơi (một cách chữa bệnh bằng cách dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt và sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh).

    Giác hơi

    Giác hơi

  69. Sòi
    Một loại cây gỗ rụng lá, cao từ 6-15m, thuộc họ thầu dầu. Vỏ rễ, vỏ thân, lá, hạt có thể dùng làm thuốc.

    Lá sòi khi sắp rụng

    Lá sòi khi sắp rụng

  70. Thợ ngạch
    Ăn trộm. Gọi vậy vì ăn trộm hay đào tường, khoét ngạch.
  71. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  72. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  73. Chúa
    Chủ, vua.
  74. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  75. Giả
    Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
  76. Từ dùng để chửi thực dân Pháp (mũi lõ, mũi gồ).
  77. Ông vải
    Ông bà (từ Nôm cổ).
  78. Năn
    Cũng viết là năng, còn gọi là mã thầy, một loại cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước. Phần củ ăn được, lá được dùng làm vị thuốc.

    Củ năn (năng)

    Củ năn (năng)

  79. Cồn Me
    Địa danh thuộc thôn Đông Lạc, xã Hoàng Trạch, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  80. Nghè
    Một hình thức của đền miếu. Nghè có thể là nơi thờ thành hoàng ở làng nhỏ được tách ra từ làng gốc, cũng có thể là một ngôi đền nhỏ ở một thôn nhằm thuận tiện cho dân sở tại trong sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính của làng xã khó đáp ứng nhu cầu thờ cúng thường nhật.

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

    Nghè La ở thôn Nam Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, TP. Bắc Giang

  81. Phú Vinh
    Một làng thuộc xã Hoằng Vinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  82. Mỹ Đà
    Cũng gọi là làng Mỹ hay kẻ Mỹ, một làng thuộc xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Xã này nay là một phường trực thuộc thành phố Thanh Hóa.
  83. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  84. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  85. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  86. Mạt đồ
    Cùng đường (từ Hán Việt). Mạt: cuối cùng, ngọn. Đồ: Đường lối.
  87. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  88. Ba hồn chín vía
    Quan niệm dân gian cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai vía ở lỗ vú và lỗ sinh dục để đẻ và nuôi con.