Những bài ca dao - tục ngữ về "nợ tao khang":

  • Cha tôi già mẹ tôi yếu

    – Cha tôi già mẹ tôi yếu,
    Em tôi còn nhỏ xíu,
    Nợ mắc tứ giăng,
    Muốn mượn anh vô trả thế,
    Sợ anh nói nợ không ăn, anh phiền.
    – Thương em rồi, anh gạt hết ưu phiền,
    Nợ tao khang nặng nhất,
    Đâu phải nợ bạc tiền, em ơi.

  • Bạn có biết?

    Trong các bài ca dao miền Nam ta thường bắt gặp những chữ "rặt Nam Bộ" như kiểng (cảnh), huê (hoa), thiệt (thật), hường (hồng), nhiệm (nhậm), phước (phúc), thời (thì)... Đa số những chữ này ra đời từ sự kị húy dưới thời nhà Nguyễn, theo đó dân chúng không được dùng tên của vua chúa (và họ hàng trong cung đình) trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Những chữ trên là đọc trại đi từ tên của thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, vương phi Hồ Thị Hoa (cũng có tên là Thật), Nguyễn Phúc Hồng Nhậm hay Nguyễn Phúc Thì (vua Tự Đức)...

Chú thích

  1. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.