Những bài ca dao - tục ngữ về "mặt đất":

  • Ngó lên trời, trời cao lồng lộng

    Ngó lên trời, trời cao lồng lộng,
    Ngó xuống đất, đất rộng mênh mông,
    Cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,
    Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
    Đến đây xui khiến đem lòng thương em.

    Dị bản

    • Cây trên rừng hoá kiểng,
      Cá dưới biển hoá long,
      Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong.
      Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
      Đến đây trời khiến đem lòng thương em.

    • Trên trời có mây hóa kiểng,
      Dưới biển có cá hoá long.
      Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
      Tới đây trời khiến đem lòng thương em.

    • Trên rừng có cây hoa kiểng,
      Dưới biển có cá hóa long.
      Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,
      Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
      Tới đây trời khiến đem lòng thương em.

    • Cây trên rừng hóa kiểng, cá ngoài biển hóa rồng
      Cá lòng tong giữa bóng ăn rong
      Anh đi lục tỉnh giáp vòng
      Tới đây ông trời khiến đem lòng yêu em.

Chú thích

  1. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  2. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  3. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  4. Con long
    Con rồng.