Những bài ca dao - tục ngữ về "ghe thuyền":

  • Anh thương em

    Anh thương em
    Thương quấn, thương quýt
    Bồng ra gốc mít, bồng xích gốc xoài
    Bồng ra ngoài đám sậy, bồng bậy vô mui
    Bồng lủi sau lái, bồng ngoái trước mũi
    Để em nằm xuống đây
    Kể từ em đau ban cua lưỡi trắng
    Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi
    Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi.

  • Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh

    Gẫm thân phận thiếp như thuyền kia không bánh
    Thân vì muốn lập thân mà ngại nặng gánh gia đình
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng em có một ông cha già đành cỡi hạc chầu tiên
    Còn bà mẹ hiền như trái chín trên nhành chờ khi ướm rụng.
    Chàng ơi! Em ra đây, gặp chàng em hỏi thiệt
    Trai chàng tính cho em ở vậy hay là em cất bước thượng trình tòng phu
    Chàng ơi! Tại cảnh gia đàng của em, mấy ống tre ngã xiêu ngã tó.
    Mấy tấm vạt cau rớt lên rớt xuống, ai ngó vào cũng chặc lưỡi lắc đầu, hỡi ôi cho thân phận thiếp.
    Anh kết nghĩa lương duyên với em tình chồng nghĩa vợ. Anh em bạn của anh đứng ngoài xa, miệng kêu tay ngoắc.
    Bớ Tư ơi ! Người đâu sao không khác chi chị Thoại Khanh thuở trước khảy đàn tầm bạn mà kết nghĩa ái ân làm gì?

  • Đứng bên ni thấy chiếc thuyền năm ván

    Đứng bên ni thấy chiếc thuyền năm ván
    Ngó sang bên kia, thấy chiếc quán năm gian
    Thuyền năm ván đang đợi người thương nhớ
    Quán năm gian đang đợi người nhớ thương
    Một em nói rằng thương,
    Hai em nói rằng nhớ
    Trách ông trời làm lỡ duyên anh
    Anh ngồi gốc cây chanh
    Anh đứng cội cây dừa
    Nước mắt anh nhỏ như mưa
    Ướt cái quần cái áo
    Cái quần anh vắt chưa ráo
    Cái áo anh vắt chưa khô
    Thầy mẹ gả bán khi mô
    Tiếc công anh lặn suốt giang hồ
    Trời cao anh kêu không thấu
    Đất rộng anh kêu nọ thông
    Những người bòn của bòn công
    Nam mô A Di Đà Phật, anh phủi tay không anh về.

  • Có đêm ra đứng đàng tây

    Có đêm ra đứng đàng tây
    Trông lên lại thấy bóng mây tà tà
    Có đêm ra đứng vườn hoa
    Trông lên lại thấy sao tà xanh xanh
    Có đêm thơ thẩn một mình
    Ở đây thức cả năm canh rõ ràng
    Có đêm tạc đá ghi vàng
    Ngày nào em chả nhớ chàng chàng ơi
    Thương chàng lắm lắm không nguôi
    Nhớ miệng chàng nói, nhớ lời chàng than
    Nhớ chàng như nhớ lạng vàng
    Khát khao vì nết mơ màng vì duyên
    Nhớ chàng như bút nhớ nghiên
    Như mực nhớ giấy như thuyền nhớ sông
    Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
    Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây
    Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây
    Sư ông nhớ Bụt rày nhớ chuông
    Nhớ chàng vì nợ vì duyên
    Vì ông Tơ Nguyệt đã khuyên lấy chàng.

    Dị bản

    • Đêm đêm ra đứng vườn hoa
      Ngó lên trông thấy sao tà xanh xanh
      Đêm đêm ra đứng một mình
      Đêm dài thức trắng năm canh rõ ràng
      Có đêm tạc đá ghi vàng
      Ngày nào anh chẳng nhớ nàng nàng ôi
      Thương nàng lắm lắm nàng ôi
      Nhớ miệng ai nói, nhớ lời ai than
      Nhớ nàng như bút nhớ nghiên
      Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông
      Bao giờ nên vợ nên chồng
      Như chim về tổ như rồng gặp mây

    Video

Chú thích

  1. Mui, lái, mũi
    Các bộ phận của một con thuyền.
  2. Ban cua lưỡi trắng
    Bệnh thương hàn, da nổi mẩn đỏ, lưỡi trắng.
  3. Vinh hiển
    Vẻ vang, rạng rỡ vì làm nên việc lớn, có tiếng tăm.
  4. Thoại Khanh - Châu Tuấn
    Một truyện thơ Nôm khuyết danh rất nổi tiếng ở Nam Bộ ngày trước, đã được chuyển thể thành cải lương và phim. Thoại Khanh là một phụ nữ xinh đẹp, người vợ hiền, dâu thảo. Châu Tuấn - chồng nàng, bị đày đi sứ 17 năm. Thoại Khanh lưu lạc, đói rách, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo với mẹ chồng, thậm chí cắt thịt ở cánh tay để nuôi mẹ, khoét mắt mình để cứu mẹ. Châu Tuấn thi đỗ Trạng nguyên, hai lần được hai vua Tống vương và Tề vương gả con gái, nhưng chàng đều khước từ, không phụ người vợ thuở hàn vi. Mối tình chung thủy của Thoại Khanh, Châu Tuấn đã cảm hoá cả hai vị vua và hai nàng công chúa, làm thần Phật xúc động. Sau cùng Châu Tuấn được lên ngôi vua, sống sung sướng cùng Thoại Khanh và hai người vợ thứ con Tề vương và Tống vương.

    Xem vở cải lương Thoại Khanh - Châu Tuấn.

  5. Bài ca dao này rút từ truyện Ngày xưa tháng chạp trong tập Biển cỏ miền Tây của nhà văn Sơn Nam. Theo nhà văn Sơn Nam, đây là một bài hát huê tình, lớp hò nghèo (than nghèo). Hát huê tình là một thể loại ca dao đặc biệt của người miền Tây: "Hát đưa em với hát huê tình không khác nhau. Đưa em ở trong nhà. Hò hát ở ngoài ruộng."
  6. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  8. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  9. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  10. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  11. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  12. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  13. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  14. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  15. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  16. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  17. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)