Những bài ca dao - tục ngữ về "dốc":

  • Đèo mô cao bằng đèo Cây Cốc?

    Đèo mô cao bằng đèo Cây Cốc?
    Dốc mô ngược bằng dốc Mỹ Cang?
    Một tiếng anh than hai hàng lệ nhỏ
    Em có mẹ già biết bỏ cho ai

    Dị bản

    • Đèo mô cao bằng đèo Sơn Cốc
      Dốc mô ngược bằng dốc Mỹ Trang?
      Nghe tiếng em than hai hàng lệ nhỏ
      Còn chút mẹ già biết bỏ cho ai

    • Đèo mô cao bằng đèo Sơn Cốc
      Dốc mô ngược bằng dốc Mỹ Trang?
      Một tiếng em than hai hàng lụy nhỏ
      Phụ mẫu già rồi biết bỏ cho ai

    • Đèo mô cao bằng đèo Phú Cốc?
      Dốc mô ngược bằng dốc Xuân Đài?
      Anh thương em thương hủy thương hoài
      Dẫu mà có ghẻ, có chốc có sài anh vẫn còn thương

    • Đèo nào cao bằng đèo Châu Đốc?
      Gió nào độc bằng gió Gò Công?
      Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
      Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

    • Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc?
      Dốc nào ngược bằng dốc Nha Trang?
      Mỗi tiếng em than, hai hàng lụy nhỏ
      Còn chút mẹ già, biết bỏ cho ai ?
      Mẹ già, còn có em trai,
      Phận em là gái, nay mai phải theo chồng.

    • Đèo mô cao bằng đèo Phú Cốc?
      Dốc mô ngược bằng dốc Xuân Đài?
      Đèo cao, dốc ngược, đường dài
      Anh còn qua được, huống chi vài lạch sông.

Chú thích

  1. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Cây Cốc
    Tên một cái đèo ở tỉnh Bình Định.
  3. Sơn Cốc
    Tên một cái đèo thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  4. Mỹ Trang
    Tên một cái dốc cao thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  5. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  6. Phú Cốc
    Tên một ngọn đèo phần lớn thuộc thôn Phú Thạnh, phần còn lại thuộc thôn Phú Liên (xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Đèo cao, ngày trước có nhiều cọp, beo.
  7. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  8. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  9. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  10. Gió đông
    Từ từ Hán Việt đông phong, nghĩa là gió mùa xuân, từ hướng đông thổi đến.

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    (Đề đô thành Nam trang - Thôi Hộ)

    Trần Trọng San dịch:
    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  11. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  12. Lạch
    Dòng nước nhỏ hơn sông.