Thành ngữ / Tục ngữ

Chú thích

  1. Con họ thịt gà, giỗ cha thịt ếch
    Đối với hạng con cháu trong họ thì làm thịt gà thết đãi, nhưng đến khi giỗ cha mình (là ngày rất quan trọng) thì lại làm thịt ếch để cúng. Đây là cách cư xử trái với lẽ thường, đáng phê phán.
  2. Kha
    Gà (tiếng cổ, hiện vẫn còn được dùng tại một số vùng ở Thanh Hóa).
  3. Một sao, ao nước
    Nếu ban đêm vắng sao ("một" là từ Hán Việt, ở đây mang nghĩa "chết, mất") thì hôm sau sẽ có mưa lớn.
  4. Đất họ Lê, nghề họ Vũ
    Câu tục ngữ lưu truyền ở làng Chè (kẻ Rỵ), làng nghề đúc đồng của tỉnh Thanh Hóa. Có thuyết cho rằng, nghề đúc đồng làng Chè có từ thời Lý, do đức thánh Khổng Minh Không truyền nghề cho hai anh em ruột người họ Vũ. Hai ông này mang nghề về truyền lại cho bà con trong làng. Còn theo cuốn Lê gia chính phả của dòng họ Lê Kẻ Rỵ thì người có công khai phá vùng đất này là Bộc xạ tướng công Lê Lương ở vào thời Tiền Lê.
  5. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  6. Bất Căng
    Địa danh nay thuộc xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền trước đây nhà Minh đặt đồn ở vùng này, đặt tên là Đa Căng, có ý khoe khoang quân số. Sau khi hạ đồn (Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Mùa Thu, tháng Chín, ngày 20, vua chỉ huy quân và voi đánh úp đồn Đa Căng, phá được đồn này"), Lê Lợi đặt lại tên vùng là Bất Căng, hàm ý "không sợ."
  7. Năng
    Loại nồi bằng đồng (phương ngữ Thanh Hóa).
  8. Trà Đông
    Cũng gọi là Chè Đông, tên Nôm là kẻ Chè, xa xưa gọi là kẻ Rỵ, một làng nay thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng có nghề đúc đồng truyền thống (nên cũng gọi là làng Trà Đúc), đồng thời là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trấn Quốc Công, Bộc Xạ Tướng Công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu...
  9. Mưa rừng cọ, gió rừng thông
    Mưa trong rừng cọ nghe tiếng rất lớn, do lá cọ có bản rộng, dày, cứng. Tương tự, do thông có nhiều lá kim nên gió thổi nghe mạnh hơn so với thực tế.
  10. Tiếu Mai
    Thường gọi là làng Tiếu, một làng cổ ven sông Cầu, thuộc địa phận xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Làng có 5 giáp là Đông Trước, Tây Trước, Nam Trước, Mai Thượng và Mai Hạ nên miếu thờ thành hoàng làng được gọi là miếu Ngũ Giáp. Hằng năm vào lễ Tết âm lịch, làng mở hội xuân gồm nhiều lễ hội, trong đó đặc sắc hơn cả là lễ tung hoa và bơi chải.Sôi động bơi chải Làng Mai - Ảnh: Nguyễn Hưởng
  11. Nước điếu
    Nước trong thân điếu để hút thuốc lào, có mùi hôi, khắm, vị đắng chát. Nước điếu độc nên người ta còn dùng để tắm trừ ghẻ cho chó.
  12. Đông Lỗ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
  13. Mai Đình
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
  14. Hòa Làng
    Tên một làng nay thuộc xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Làng là một trong 8 làng cười truyền thống của tỉnh, gồm có: Hòa Làng, Dương Sơn, Tiên Lục, Đông Loan, Nội Hoàng, Phụng Pháp, Cao Lôi, và Khả Lý.
  15. Đông Loan
    Tên một làng nay thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng được mệnh danh là "làng nói tức."
  16. Nội Hoàng
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng Nội Hoàng thuộc xã Nội Hoàng là một trong 8 làng cười của tỉnh.
  17. Trúc Ổ
    Một làng nay thuộc xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng có truyền thống "nói tức," nghĩa là cố tình nói khoác cho người nghe bực mình.
  18. Văn Lang
    Tên một làng nay thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Người dân Văn Lang nổi tiếng với tài nói khoác, sáng tác và kể chuyện cười.
  19. Khó
    Nghèo.
  20. Ăn độn
    Ăn cơm trong đó có độn thêm lương thực phụ như khoai, sắn, bo bo, v.v.

    Ngày hai bữa rau ta có muối
    Ngày hai buổi, không tìm củ pầu, củ nâu
    Có bắp xay độn gạo no lâu,
    Ðường ngõ từ nay không cỏ rậm

    (Dọn về làng - Nông Quốc Chấn)

  21. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  22. Hom
    Cũng gọi là hơm, phần chóp hai đầu của lờ đánh cá, thuôn về bên trong, để cá chỉ có thể chui vào chứ không chui ra được.
  23. Vồng
    Phần đất được dùng cuốc vun lên cao hơn mặt đất để trồng rau, củ, tương tự nhưng cao hơn líp.
  24. Khánh Vân
    Tên một làng cũ nổi tiếng với nghề thợ hồ, sau sát nhập với làng Thanh Đơn thành làng Thanh Vân, thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
  25. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  26. Yên Thế
    Huyện cực bắc tỉnh Bắc Giang, là nơi diễn ra khởi nghĩa Yên Thế kéo dài 30 năm của Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp (1885-1913).
  27. Đèo Khế
    Một cái đèo nằm giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Những năm đầu của thế kỷ 20, đồng bào Tày, Nùng từ Lạng Sơn, Cao Bằng về đây làm ruộng tạo thành nhiều xóm nhỏ len lỏi theo bờ suối. Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Khế vừa là cầu nối giữa hai khu của ATK ở Sơn Dương, Tuyên Quang và Đại Từ, vừa là đoạn đường trọng yếu hành quân lên Tây Bắc.
  28. Thái Nguyên
    Một tỉnh ở miền Bắc nước ta, nổi tiếng với nghề trồng và chế biến chè (trà).

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  29. Yên Thế là một huyện của tỉnh Bắc Giang, là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám (1884-1913). Đèo Khế thuộc tỉnh Thái Nguyên được coi là ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.