Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Nữ thần phù hộ người đi biển. Theo Sơn Nam: “Bà là nhân vật có thật nhưng lần hồi được thêu dệt về sự linh thiêng. Nhờ tu tiên (theo đạo Lão Tử), tuy ngồi nhà Bà vẫn thấy người đi biển đang bị đắm thuyền, bèn dùng bùa phép để cứu vớt.”
  2. Gió đông
    Từ từ Hán Việt đông phong, nghĩa là gió mùa xuân, từ hướng đông thổi đến.

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    (Đề đô thành Nam trang - Thôi Hộ)

    Trần Trọng San dịch:
    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  3. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  4. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  5. Cù Huân
    Dân gian còn gọi là cửa Lớn, cửa biển nơi con sông Cái đổ ra biển, nay thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Huyện Diên Khánh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân Trịnh Phong, một thủ lĩnh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.
  6. Vọng Phu
    Hình tượng người phụ nữ bồng con đứng trên đỉnh núi chờ chồng rồi sau hóa thành đá, rất thường gặp trong văn học dân gian. Trên khắp đất nước ta có rất nhiều đỉnh núi được mang tên là núi Vọng Phu hoặc đá Vọng Phu.
  7. Rượu Kim Long
    Một loại rượu đế rất ngon, có nguồn gốc từ làng Kim Long, nay thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết.” Rượu được nấu trong nồi đồng nên có vị cay rất đặc trưng. Thời Pháp thuộc, người Pháp chiếm hết các lò nấu rượu trong tỉnh và lập ra công ty rượu Xika, vì vậy rượu Kim Long cũng được gọi là rượu Xika. Loại rượu này cùng với rượu Làng Vân ở miền Bắc, rượu Bàu Đá ở Bình Định và rượu đế Gò Đen ở miền Nam gộp thành Tứ Đại Danh Tửu (bốn loại rượu nổi tiếng).

    Làng Kim Long

    Làng Kim Long

    Nấu rượu Kim Long

    Nấu rượu Kim Long

  8. Đàn hương
    Cây đàn có mùi thơm. Theo Thiều Chửu: Lại có thứ bạch đàn 白檀  và hoàng đàn 黃檀, mùi gỗ thơm nức gọi là đàn hương 檀香  hay trầm bạch, dùng đốt cho thơm.
  9. Thạch Hãn
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Sông vốn có tên là Thạch Hàn [石瀚], có lí giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá như mồ hôi (hãn 汗) tiết ra thành dòng chảy, nên mới đổi thành Thạch Hãn.

    Một góc cảng Cửa Việt

    Một góc cảng Cửa Việt

  10. Võ Nhai
    Địa danh nay là một huyện miền núi phía đông bắc tỉnh Thái Nguyên. Đây là huyện có diện tích lớn nhất và có mật độ dân số tháp nhất trong tỉnh.
  11. Đại Từ
    Địa danh nay là một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Thái Nguyên.
  12. Đại Từ và Vũ Nhai ngày trước là hai vùng rừng núi nhiều sơn lam chướng khí, người dân thường không được khỏe khoắn lanh lợi.
  13. Lần
    Dần dần (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Nhứt ngôn trúng, vạn sự thành
    Một lời đã nói đúng thì mọi chuyện đều thành công.
  15. Đành
    Ưng thuận (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Thiên niên vạn đại
    Ngàn năm, vạn đời. Chỉ sự tồn tại lâu bền, vĩnh cửu.
  17. Nhiều tiền thiên niên vạn đại, ít tiền làm lại làm đi
    Chỉ việc làm nhà, hiểu rộng ra thì có ý nghĩa tương tự câu "Tiền nào của nấy."
  18. Nây
    Thịt bụng của lợn, không ngon.
  19. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  20. Lóc xóc không bằng góc vườn
    Hoa lợi từ vườn tược nhiều khi đem lại cuộc sống sung túc hơn là làm các nghề khác.
  21. Dịch Đồng
    Một làng nay thuộc xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
  22. Tiên Lữ
    Còn gọi là kẻ Chặng hay làng Chặng, nay là một xã ở phía nam của huyện Lập Thạch, tĩnh Vĩnh Phúc. Nơi đây được xem là một trong những nơi cư trú đầu tiên của người Việt từ thời các vua Hùng dựng nước. Bánh gạo rang là đặc sản của Tiên Lữ.
  23. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  24. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  25. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  26. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Chợ Giang xưa là chợ trâu, phiên chính vào ngày rằm hàng tháng, đông nhất vào rằm tháng tám.
  27. Sãi
    Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
  28. La Vang
    Địa danh nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Có giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ cây lá vằng (một loại cây có thể nấu làm nước uống), hoặc chỉ tiếng kêu la của người dân để xua đuổi thú dữ. Theo truyền thuyết của người Công giáo, dưới thời vua Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn, Ðức Mẹ đã hiện ra tại đây. Vì thế, La Vang hiện nay được xem là một thánh địa Công giáo, hàng năm có hơn nửa triệu người về hành hương.

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

    Tượng Đức Mẹ tại La Vang

  29. Quán Ngang
    Một địa danh thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
  30. Dầu tràm
    Loại dầu được chiết xuất từ lá của cây tràm, có hương thơm và mùi vị dễ chịu nên được dùng trong nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng, thuốc sát khuẩn…

    Dầu tràm

    Dầu tràm

  31. Đại Nại
    Tên một làng cũ thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hiện nay làng đã được sáp nhập với làng An Thái và làng Ba Khê thành một làng lớn là Đại An Khê.
  32. Phường Trúc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Phường Trúc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  33. Kim Giao
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  34. Phước Điền
    Địa danh nay thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  35. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  36. Chùa Tịnh Quang
    Còn có tên là chùa Sắc Tứ, một ngôi chùa ở vùng núi phía tây nam làng Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông, là biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị.

    Chùa Tịnh Quang

    Chùa Tịnh Quang

  37. Trà Bát
    Địa danh nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  38. Chợ Sòng
    Một địa danh nay thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, cũng là tên một ngôi chợ ở đây. Chợ Sòng cùng với chợ phiên Cam Lộ từng là hai trung tâm thương mại sầm uất nhất Quảng Trị ngày trước. Theo Phủ biên tạp lục: Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh.
  39. Bích La
    Địa danh nay là một làng ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm bên bờ Đông của sông Thạch Hãn. Đây là một ngôi làng cổ có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, nơi được coi là vùng đất "địa linh nhân kiệt."
  40. Trà Lộc
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Làng có trằm (bàu nước) Trà Lộc, nay là một khu du lịch sinh thái có tiếng trong vùng.
  41. An Đôn
    Địa danh nay là một phường thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
  42. Mai Lĩnh
    Địa danh nay là một quận thuộc tỉnh Quảng Trị.
  43. Đạo Đầu
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  44. Trầu nguồn
    Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
  45. Khe Gió
    Địa danh thuộc địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khe Gió vốn là một khe suối và một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng đông, tạo nên một địa hình lòng máng hút gió từ sông Hiếu đổ về. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh.

    Khe Gió

    Khe Gió

  46. Trung Đơn
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  47. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  48. Bồ Bản
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  49. An Lộng
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  50. Xôi thống
    Một loại xôi đặc sản ở xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xôi làm từ loại nếp rất thơm, khi ăn có vị ngọt.
  51. Hải Thành
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất hiện trên bản đồ nhà Nguyễn khoảng đầu thế kỷ 19, hiện nay Hải Thành còn lưu giữ một vài truyền thống như lễ cúng thần hoàng, lễ chạp mã làng, chạp mã họ, lễ đua ghe...
  52. Trí Bưu
    Tên một làng nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị. Làng có tên cũ là Cổ Bưu (gọi trại là Cổ Vưu), do trước đây có một nhà trạm để lo việc chuyển nhận thư từ và công văn từ triều đình.
  53. Triệu Phước
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
  54. Đông Hà
    Địa danh nay là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị.
  55. Hội Yên
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
  56. Ngói lò Cánh, bánh quán Đanh
    Tên lò làm ngói có tiếng ở Hương Canh và một quán bánh đúc ngon ở làng Đinh Xá (theo Địa chí Vĩnh Phúc).