Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Chác
    Chuốc lấy (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  3. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  4. Công nghiệp
    Sự nghiệp (từ Hán Việt).
  5. Bánh vẽ
    Hình vẽ chiếc bánh. Nghĩa bóng chỉ thứ trông có vẻ tốt đẹp nhưng không có thật, chỉ đưa ra để lừa bịp.
  6. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  7. Sĩ hiền
    Kẻ sĩ và người hiền, tức người có học vấn, tài năng và đạo đức hơn người (từ Hán Việt).
  8. Vầy duyên
    Kết duyên (phương ngữ Nam Bộ).
  9. Láng nguyên
    Còn hoang, chưa ai khai phá (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  11. Bạn ngọc
    Bạn quý như ngọc, thường chỉ người thương hay bạn thân.
  12. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Lậu
    Để lộ (phương ngữ Nam Bộ, nguyên là âm Hán Việt của chữ lậu 漏).
  14. Bình Lương
    Tên một ấp nay thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nằm bên dòng sông Cổ Chiên.
  15. Tân Tạo
    Một con sông chảy ngang qua huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
  16. Chợ Vĩnh Long
    Chợ trung tâm tỉnh Vĩnh Long hiện nay, thuộc hàng lớn nhất các tỉnh miền Tây, từ xưa đã có tiếng là tấp nập. Hiện nay chợ Vĩnh Long là đầu mối nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây.

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

  17. An Bình
    Tên một cù lao giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Ðồng Phú, đều thuộc huyện Long Hồ. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng...

    Đường trên cù lao An Bình

    Đường trên cù lao An Bình

  18. Có nơi hát: Đừng có đi đâu mà lạc đường lạc sá.
  19. Đây là trò Hú dê về nhà mẹ hoặc Dê mẹ tìm con. Cách chơi: từ 7 đến 9 em tham gia, em trưởng trò đóng vai dê mẹ, một em đóng vai sói, số còn lại đóng vai dê con. Dê con trốn nơi kín đáo sao cho sói không tìm thấy. Dê mẹ ngồi một nơi hoặc chạy đi chạy lại và hát bài đồng dao này, câu cuối cùng ngân dài. Dê con nghe tiếng mẹ gọi thì rời khỏi chỗ nấp, tìm cách chạy đến chạm vào tay dê mẹ sao cho sói không bắt được. Nếu bị bắt, dê con bị loại khỏi cuộc chơi.
  20. Có bản chép: mặt rỗ.
  21. Khăn bìa đôi
    Loại khăn lớn hình chữ nhật, có bốn cạnh viền bằng cách cặp một nẹp vải khác màu gập lại và may cho khăn khỏi sút sổ.
  22. Suốt
    Tuốt: tuốt lúa, tuốt lá... (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  24. Điều
    Một loại cây nhỏ cho quả có nhiều lông, màu đỏ, trong có nhiều hạt nhỏ. Từ hạt điều chiết xuất được một chất màu vàng đỏ (gọi là màu điều), được dùng để nhuộm vải. Vải được nhuộm điều thường gọi là vải điều.

    Quả và hạt điều

    Quả và hạt điều

  25. Có bản chép: không hết.
  26. Súng hai nòng
    Loại súng trường có hai ống, một ống hơi và buồng súng ghép song song nhau. Người ta cũng gọi súng này là súng hai lòng, nên cụ Nguyễn Đình Chiểu gọi là súng song tâm.

    Các bậc sĩ nông công cổ, liều mang tai với súng song tâm
    Mấy nơi tổng lý xã thôn, đều mang hại cùng cờ tam sắc
    (Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh)

  27. Ba ngầu
    Hay ba ngù, hung dữ, lầm lì (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  29. Sở đất
    Đám đất, miếng đất (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Hổ thân
    Xấu hổ (phương ngữ Nam Bộ).
  31. Tơ duyên
    Sợi tơ hồng ràng buộc đôi trai gái. Chỉ tình yêu nam nữ, tình duyên vợ chồng. Xem chú thích Nguyệt Lão.
  32. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  33. Sơ mi
    Áo may kiểu Âu phục bằng vải mỏng nhẹ, có thể tay dài hoặc ngắn. Từ này có gốc tiếng Pháp chemise.
  34. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt