Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  2. Rế
    Vật dụng làm bếp, thường đan bằng tre nứa, hình tròn, để đỡ nồi chảo cho khỏi bỏng và dơ tay.

    Đan rế

    Đan rế

  3. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  4. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  5. Thung huyên
    Cây thung và cỏ huyên, tượng trưng cho cha mẹ. Xem thêm Nhà thungHuyên đường.
  6. Sãi
    Người đàn ông làm nghề giữ chùa.
  7. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  8. Phú Thọ
    Một tỉnh miền núi, trung du thuộc vùng Đông Bắc nước ta, giáp với các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Sơn La; có tỉnh lỵ là thành phố Việt Trì. Phú Thọ được coi là vùng đất tổ, tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nhà nước Văn Lang, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay. Đây là vùng đất có nhiều lễ hội, đáng kể nhất là lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương.

    Cảnh đẹp đầm Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ)

    Cảnh đẹp đầm Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ)

  9. Kẻ Ngọ
    Địa danh cũ nay thuộc xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
  10. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  11. Ba làng Trà Lũ
    Ba làng Trà Trung, Trà Bắc và Trà Đoài (ba thôn Trung, Bắc, Nam) thuộc huyện Giao Thủy, xã Xuân Trường, trấn Nam Định, nay là xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là nơi nghĩa quân của Phan Bá Vành rút về cố thủ khi bị quân triều đình đàn áp.
  12. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  13. Khánh
    Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.

    Cái khánh

    Cái khánh

  14. Rẫy
    Ruồng bỏ, xem như không còn tình cảm, trách nhiệm gì với nhau.
  15. Thợ nề
    Thợ hồ, thợ xây.
  16. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  17. Tống
    Một triều đại kéo dài từ năm 960 đến năm 1279 trong lịch sử Trung Quốc (cùng thời với nhà Lý trong lịch sử nước ta).
  18. Tiêu
    Loại nhạc cụ hơi khá thông dụng ở các nước Đông Á. Tiêu có dạng ống trụ tròn như sáo trúc, nhưng khi sử dụng lại để theo chiều dọc và thổi dọc theo thân ống. Tiêu thường to và dài hơn sáo, do đó âm thanh của nó trầm và mộc mạc hơn.

    Thổi tiêu

    Thổi tiêu

  19. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  20. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  21. Đèn dầu
    Đèn đốt bằng dầu hỏa, gồm một bầu đựng dầu bằng thủy tinh hoặc kim loại, một sợi bấc (tim đèn) để hút dầu, và hệ thống núm vặn. Đèn dầu còn được gọi là đèn Hoa Kỳ (Huê Kỳ), mà theo tác giả Nguyễn Dư thì tên này bắt nguồn từ tên cửa hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) chuyên làm đồ khảm xà cừ và bán đèn sắt tây. Hiện nay đèn dầu vẫn còn được thấy ở các vùng quê nghèo.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  22. Đông Loan
    Tên một làng nay thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng được mệnh danh là "làng nói tức."
  23. Nội Hoàng
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng Nội Hoàng thuộc xã Nội Hoàng là một trong 8 làng cười của tỉnh.
  24. Hào mục
    Người có thế lực ở làng xã thời phong kiến. Dưới thời nhà Nguyễn, mỗi làng thường có hội đồng hào mục; những người có chức sắc trong làng đều có quyền tham dự.
  25. Nha
    Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
  26. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  27. Mác
    Một loại vũ khí cổ, có lưỡi dài và sắc, cán dài, có thể dùng để chém xa.
  28. Dao bầu
    Loại dao to, mũi nhọn, phần giữa phình ra, thường dùng để chọc tiết lợn, trâu bò.

    Dao bầu

    Dao bầu

  29. Mắm tôm
    Một loại mắm ở miền Bắc, được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi (một loại tôm nhỏ) và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc rất đặc trưng. Mắm tôm thường có ba dạng: đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng. Trước khi sử dụng, mắm tôm thường được pha với chanh và ớt.

    Mắm tôm đã pha

    Mắm tôm đã pha

  30. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  31. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm