Toàn bộ nội dung

Chú thích

  1. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  2. Giồng
    Trồng (phương ngữ Bắc Bộ).
  3. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  4. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Bể ái
    Biển tình. Chỉ tình yêu thương chứa chan như biển.
  6. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  7. Chiếc thân
    Đơn độc, lẻ loi.
  8. Tày
    Bằng (từ cổ).
  9. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  10. Ngô Đình Khả
    (1850 – 1925) Quan đại thần nhà Nguyễn, thân sinh của tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Ông chủ trương phản đối việc chính quyền thực dân Pháp truất ngôi và lưu đày vua Thành Thái.

    Ngô Đình Khả

    Ngô Đình Khả

  11. Nguyễn Hữu Bài
    (1863-1935) Quan đại thần nhà Nguyễn. Ông làm Thượng thư bộ Lại trong vòng 16 năm (1917-1933) thời gian dài nhất trong các đời thượng thư bộ Lại triều Nguyễn.

    Nguyễn Hữu Bài

    Nguyễn Hữu Bài

  12. Đày vua không Khả, đào mả không Bài
    Năm 1907, chính quyền Bảo hộ đòi phế truất và lưu đày vua Thành Thái, quan đại thần Ngô Đình Khả đã phản đối quyết liệt và nhất quyết không kí vào tờ biểu. Đến năm 1912, khâm sứ Pháp Mahé đề nghị đào vàng bạc chôn ở lăng Tự Đức, đến lượt thượng thư Nguyễn Hữu Bài nhất quyết phản đối. Dân gian lúc đó có câu này để ca ngợi khí tiết của hai ông.
  13. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  14. Đinh ninh
    Nói đi nói lại, dặn đi dặn lại cặn kẽ để nhớ kỹ.

    Vầng trăng vằng vặc giữa trời
    Đinh ninh hai mặt một lời song song

    (Truyện Kiều)

  15. Đại Hữu
    Một làng nay thuộc địa phận xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, được cho là nơi ra đời của Đinh Tiên Hoàng. Ở đây có núi Kỳ Lân, trên đỉnh núi có gò Bồ Đề, tương truyền là nền nhà của Đinh Bộ Lĩnh.
  16. Điềm Dương
    Cũng gọi là Điềm Giang, một làng nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là quê hương của thánh sư Không Lộ.
  17. Đông Giàng
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Thượng Đạt, tỉnh Hải Dương, nằm ở ngạn Bắc sông Thái Bình.
  18. Lai Hạ
    Địa danh nay là một xã nằm về phía Đông huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, bên bờ sông Thái Bình.
  19. Đại giang Đông Giàng, tiểu giang Lai Hạ
    Tương truyền năm 1282, đời vua Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên người huyện Thanh Lâm (nay là Cẩm Bình, Hải Dương) giỏi chữ Nôm, làm văn tế ném xuống sông đuổi được cá sấu hại dân chài. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời nhà Đường - Trung Quốc) đuổi cá sấu, cho đổi thành họ Hàn (Hàn Thuyên), và cho hưởng nguồn lợi trên sông. Từ đó dân Đông Giàng được hưởng lợi trên sông lớn (Đại giang tức sông Thái Bình) còn dân Lai Hạ hưởng lợi trên các sông nhánh (tiểu giang) của sông Thái Bình.

    Bài văn tế cá sấu của Hàn Thuyên

    Bài văn tế cá sấu của Hàn Thuyên

  20. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)

  21. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  22. Hoàng Hoa Thám
    Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

  23. Đàn ông bán nhà, đàn bà bán lợn
    Mỗi người có một sở trường, một khả năng riêng.
  24. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  25. Lầm
    Bùn; bị bùn cát vấy bẩn .

    Một sân lầm cát đã đầy,
    Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương.

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  26. Cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần
    Khi ăn cháo nóng nên húp chung quanh, đợi cháo nguội. Khi gặp chuyện khó khăn phải bình tĩnh giải quyết từng bước một.
  27. Trần Quang Châu
    Cũng gọi là Trương Giao, một tướng nhà Lê vào thế kỉ 18. Ông đã cùng tướng nhà Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm giao chiến nhiều trận ở cửa sông Đuống. Năm 1789, khi quân Thanh sang nước ta, ông dẫn quân Thanh đánh Tây Sơn. Quân Thanh đại bại, ông chạy lên Yên Thế phối hợp với Dương Đình Tuấn, sau bị tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng bắt sống và hành quyết năm 1792.
  28. Dương Đình Tuấn
    Cũng gọi là Dáo Mao tuần lĩnh, người huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông là tướng nhà Lê, nhiều lần lập công và được Lê Chiêu Thống phong làm trấn thủ Kinh Bắc, Thái Nguyên. Về sau, ông bị quân Tây Sơn bao vây và chết trong rừng Yên Thế.
  29. Có phúc thì gặp Trương Giao, vô phúc thì gặp Dáo Mao tuần lĩnh
    Trong hành quân, so với Trương Giao (Trần Quang Châu), Dáo Mao tuần lĩnh (Dương Đình Tuấn) thường chém giết tùy tiện hơn.
  30. Vũ Mao
    Có tài liệu cho là Vũ Văn Nhậm, tướng nhà Tây Sơn. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm ra tư liệu về tên gọi này.