Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mương
    Đường nước do con người đào để dẫn nước.

    Mương nước

    Mương nước giúp tưới tiêu ruộng lúa

  2. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  3. Chu
    Châu (phương ngữ).
  4. Chín châu
    Một khái niệm phân chia thiên hạ của Trung Quốc. Người Trung Quốc cho rằng sau khi vua Vũ trị thủy (làm công tác thủy lợi chống nạn lụt Hoàng Hà) thành công, đã chia Trung Quốc ra làm chín châu (cửu châu). Có ít nhất ba cách giải thích:

    - Theo Vũ Cống, chín châu gồm có: Ký (nay thuộc Hà Nam), Duyện (nay thuộc Sơn Đông), Thanh (nay thuộc Sơn Đông, Liêu Dương), Từ (nay thuộc phía nam Sơn Đông), Dương (?), Kinh (nay thuộc Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu, Quảng tây), Dự (nay thuộc Hà Nam), Lương (?), Ung (nay thuộc Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải).

    - Theo Nhĩ nhã, chín châu gồm có: Ký, U, Duyện, Dinh, Từ, Dương, Kinh, Dự, Ung.

    - Theo Chu lễ, chín châu gồm có: Ký, U (nay thuộc Trực Lệ, Phụng Thiên), Tình, Duyện, Thanh, Dương, Kinh, Dự, Ung.

  5. Chuột chù
    Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.

    Chuột chù

    Chuột chù

  6. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  7. Hợp cẩn
    Cẩn là phân nửa quả bầu được dùng làm chén uống rượu trong lễ cưới. Hợp cẩn (cũng viết là hiệp cẩn) chỉ lễ cưới hoặc lễ động phòng của vợ chồng mới cưới.
  8. Bá tòng
    Cây bá (trắc) và cây tùng, hai loại cây sống rất lâu năm. Bá tòng vì thế tượng trưng cho tình nghĩa lâu bền. Đồng thời bá tòng cũng chỉ sự tu hành, vì hai loại cây này thường được trồng ở sân chùa.
  9. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  10. Volga
    Một hiệu xe sang trọng của Nga, trước đây chỉ dành cho cán bộ cấp cao của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Xe Volga

    Xe Volga

  11. Bài này nhại theo bốn câu trong bài thơ Bầm ơi của Tố Hữu:

    Bầm ơi, có rét không Bầm
    Hiu hiu gió núi, lâm thâm mưa phùn
    Bầm ra ruộng cấy bầm run
    Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non

  12. Vô thủ, vô vĩ, vô nhĩ, vô tâm
    Không đầu, không đuôi, không tai, không tim.
  13. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  14. Dức
    Mắng nhiếc. Còn nói dức bẩn (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  16. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  17. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  18. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  19. Khá
    Đỡ, thuyên giảm bệnh tình (phương ngữ).
  20. Xông
    Cách trị bệnh cảm cúm trong dân gian, dùng các loại lá chứa tinh dầu như lá bưởi, cúc tần, hương nhu, ngải cứu, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá sả, lá tre, lá chanh... để nấu nước xông. Đặt nồi nước xông trên giường, người bệnh trùm kín chăn ngồi xông từ 10 - 15 phút. Khi xông, hơi nước nóng kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài. Tinh dầu trong các loại thảo dược theo hơi nước qua niêm mạc mắt, mũi, tai, da, làm thông các ống dẫn mắt, mũi, tai và các xoang giúp giảm đau, chống viêm, bớt đau đầu, chóng mặt.
  21. Ri
    Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Chặm
    Thấm từng tí cho khô (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Chay
    Một loại cây to cùng họ với mít, được trồng ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng rừng núi miền Trung. Quả chay có múi, khi chín có màu vàng ươm, ruột màu đỏ, vị chua, có thể ăn tươi hoặc dùng kho với cá, cua. Vỏ hoặc rễ cây dùng để ăn trầu hoặc làm thuốc nhuộm.

    Quả chay

    Quả chay