Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tiên Châu
    Tên một cửa biển thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nằm ở hạ lưu sông Cái, sát bên bờ biển. Tiên Châu là vùng đất có phong cảnh đẹp, đồng thời là một cảng biển sầm uất từ thế kỉ 17.
  2. Gành Đỏ
    Một địa danh nay thuộc thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vừa là tên ngọn đèo, vừa là một vịnh biển. Tại đây có đặc sản nước mắm Gành Đỏ nổi tiếng cả nước.

    Buổi sáng ở Gành Đỏ (Ảnh: Trịnh Vũ Cường)

    Buổi sáng ở Gành Đỏ (Ảnh: Trịnh Vũ Cường)

  3. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  4. Tượng khỉ và chó ở chùa Cầu
    Bốn pho tượng được thờ ở chùa Cầu, Hội An: đầu phía Tây cầu đặt hai tượng khỉ, đầu phía Đông đặt hai tượng chó.

    Tượng khỉ ở chùa Cầu

    Tượng khỉ ở chùa Cầu

    Tượng chó ở chùa Cầu

    Tượng chó ở chùa Cầu

  5. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  6. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  7. Ông Tịt bà Tịt
    Hình tượng dân gian của bệnh nổi mề đay (cũng gọi là bệnh tịt). Theo tín ngưỡng, trẻ con mắc bệnh tịt là vì bị một giống "ma tịt" đốt phải.
  8. Trầu lá lốt
    Lá lốt được têm thành miếng như miếng trầu.
  9. Theo tín ngưỡng dân gian, để chữa bệnh nổi mề đay (bệnh tịt) ở trẻ con, người ta sửa soạn một lễ cúng gồm cứt trâu và lá lốt (được têm như trầu), mang đặt vào một chỗ cây cỏ rậm rạp có nhiều muỗi rồi thắp nhang cúng, vừa cúng vừa khấn vái bài này.
  10. Vừng
    Vầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Nhật nguyệt
    Mặt trời (nhật) và mặt trăng (nguyệt), ở miền Nam cũng được phát âm thành nhựt nguyệt. Cùng là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, hình ảnh nhật nguyệt thường được đem ra để thề thốt.

    Mai sau dầu đến thế nào,
    Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỷ thần

    (Truyện Kiều)

  12. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ba Gà.
  13. Cầm
    Giao tài sản cho người khác làm tin để vay tiền.
  14. Nhà dây thép
    Bưu điện. Gửi điện tín được gọi là "đánh dây thép." Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, hiện nay ít được dùng.
  15. Cạnh khế
    Cạnh khóe.
  16. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Theo truyền thuyết, vua Lê Long Đĩnh một hôm ăn quả khế, trong ruột thấy có hột mận (lý), đoán rằng họ Lý sẽ nổi lên làm vua, bèn sai người đi tìm kẻ nào họ Lý thì giết đi. Trong khi đó, Lý Công Uẩn ngày ngày thường ở bên vua thì vua lại không để ý đến. Rốt cuộc nhà Lê mất vào tay nhà Lý. Người đương thời nhân đó mà đặt ra câu ca dao này để chế nhạo.
  18. Hẩm
    Chỉ thức ăn (thường là cơm, gạo) đã biến chất, hỏng.
  19. Bát đàn
    Bát nông lòng, làm bằng đất nung thô có tráng men, thời xưa thường dùng.
  20. Phải tai
    Việc chướng mắt, khó coi (phương ngữ Trung Bộ).
  21. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  22. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  23. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  24. Long
    Lỏng ra, rời ra.
  25. Nhài
    Mảnh kim loại nhỏ, tròn, như cây đinh, giữ hai đầu chốt quạt giấy.

    Quạt giấy

    Quạt giấy

  26. Hòa Làng
    Tên một làng nay thuộc xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Làng là một trong 8 làng cười truyền thống của tỉnh, gồm có: Hòa Làng, Dương Sơn, Tiên Lục, Đông Loan, Nội Hoàng, Phụng Pháp, Cao Lôi, và Khả Lý.
  27. Dương Sơn
    Tên một làng ở xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Làng cách Hòa Làng một quả đồi, cùng nổi tiếng về tài (và truyền thống) nói khoác.
  28. Bài ca dao này vốn là những câu thơ rút từ tập Bút quan hoài của Á Nam Trần Tuấn Khải.
  29. Áo chưa đậu sống
    Áo chưa may đường sống lưng.
  30. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  31. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  32. Cá chình
    Một loại cá có da màu đen, thân mình dài chừng 40-50cm, tròn lẳn, hơi giống lươn. Thịt cá chình dai, ngon, rất bổ dưỡng.

    Cá chình

    Cá chình