Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trần Quang Châu
    Cũng gọi là Trương Giao, một tướng nhà Lê vào thế kỉ 18. Ông đã cùng tướng nhà Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm giao chiến nhiều trận ở cửa sông Đuống. Năm 1789, khi quân Thanh sang nước ta, ông dẫn quân Thanh đánh Tây Sơn. Quân Thanh đại bại, ông chạy lên Yên Thế phối hợp với Dương Đình Tuấn, sau bị tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng bắt sống và hành quyết năm 1792.
  2. Dương Đình Tuấn
    Cũng gọi là Dáo Mao tuần lĩnh, người huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông là tướng nhà Lê, nhiều lần lập công và được Lê Chiêu Thống phong làm trấn thủ Kinh Bắc, Thái Nguyên. Về sau, ông bị quân Tây Sơn bao vây và chết trong rừng Yên Thế.
  3. Có phúc thì gặp Trương Giao, vô phúc thì gặp Dáo Mao tuần lĩnh
    Trong hành quân, so với Trương Giao (Trần Quang Châu), Dáo Mao tuần lĩnh (Dương Đình Tuấn) thường chém giết tùy tiện hơn.
  4. Vũ Mao
    Có tài liệu cho là Vũ Văn Nhậm, tướng nhà Tây Sơn. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm ra tư liệu về tên gọi này.
  5. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  6. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  7. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  8. Ngặt
    Nguy hiểm, gian nan, cùng túng, hết thế (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  9. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  10. Buộc cổ mèo, treo cổ chó
    Chỉ người hà tiện, bủn xỉn.
  11. Cun cút
    Cũng gọi là chim cút, một loài chim nhỏ cùng họ với gà, đuôi cộc, chân ngắn, lông màu nâu xám, thường sống ở đồi cỏ, lủi rất nhanh trong bụi cây. Chim cút cũng được nuôi để lấy thịt, trứng.

    Chim cút

    Chim cút

  12. Có bản chép: thầy.
  13. Mình ên
    Một mình, đơn độc (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  15. Tày
    Bằng (từ cổ).
  16. "Tuổi lên ba" và "tuổi lên hai" ở đây là các đốt tay. Bốn ngón nhỏ hơn có ba đốt mỗi ngón, riêng ngón cái (ông già) lại có hai đốt.
  17. Rau thơm
    Tên chung dùng để chỉ các loại rau ăn được (có thể là rau, củ, quả thơm), được trồng hoặc hái từ tự nhiên, có mùi thơm đặc biệt tùy theo loại do các tinh dầu trong rau bay hơi tạo thành. Thơm còn là tên gọi tắt của người Hà Nội dành cho loại húng thơm mà nổi tiếng nhất là húng Láng.
  18. Xe nước
    Công cụ làm bằng tre, có hình chiếc bánh xe, dùng để lấy nước tưới cho đồng ruộng. Tương truyền kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung là loại xe nước ở Ai Cập vào thế kỉ trước do Nguyễn Trường Tộ vẽ lại mang về áp dụng từ nửa cuối thế kỉ 19.

    Xe nước

    Xe nước

  19. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  20. Cá ngát
    Một loại cá sống ở biển và những vùng nước lợ, có da trơn, thân hình giống như con cá trê, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá. Cá ngát có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là món canh chua cá ngát.

    Canh chua cá ngát

    Canh chua cá ngát

  21. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  22. Bá hộ
    Gọi tắt là bá, một phẩm hàm thời phong kiến cấp cho những nhà giàu có.
  23. Chợ Đồng Lương
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Một số nguồn ghi là chợ Đồng Nương, có lẽ do sai lệch về phát âm.
  24. Bộ hành
    Người đi đường (từ Hán Việt). Cũng gọi là khách bộ hành.