Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kỳ Đồng
    Tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh năm 1875 tại làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên, nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, 8 tuổi đã đỗ loại ưu kì thi hương (Kỳ Đồng là tên do vua Tự Đức sắc phong, nghĩa là "đứa trẻ kỳ tài"). Năm 1887, ông được Pháp cho đi du học tại Algérie, và quen thân với cựu hoàng Hàm Nghi đang bị đày ở đây. Sau ông từ chối lời mời làm quan của Pháp mà chỉ xin đất để mở mang việc làm ruộng ở Yên Thế vào năm 1897. Sợ ông liên lạc với Đề Thám, Pháp đã đày ông sang đảo Marquises, Tahiti. Ông mất ở Tahiti năm 1929.

    Kỳ Đồng (đứng) và một viên chức pháp ở Tahiti

    Kỳ Đồng (đứng) và một viên chức Pháp ở Tahiti

  2. Hoàng Hoa Thám
    Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

  3. Trần Hữu Giảng
    Một nhà yêu nước hoạt động trong nhóm văn thân ở thôn Quần Anh (nên dân gian cũng gọi là bá hộ Quần Anh), nay thuộc xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1897, ông đã bắt liên lạc với Kỳ Đồng, đồng thời cử người lên tăng cường cho lực lượng của Đề Thám.
  4. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  5. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  6. Nguyệt Đàm
    Một thôn trước đây thuộc xã Yên Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  7. Sa Nam
    Thị trấn cũ, nay là thị trấn Nam Đàn thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tại đây vào năm 722, Mai Thúc Loan đã cho xây thành Vạn An trên núi Đụn (tên chữ là Vệ Sơn) làm đại bản doanh, đánh tan quân nhà Đường ở châu Hoan rồi tiến quân ra Bắc chiếm thành Tống Bình, giải phóng đất nước. Hiện nay trên núi Đụn vẫn còn đền thờ ông.

    Đền thờ Mai Hắc Đế

    Đền thờ Mai Hắc Đế

  8. Đụt
    Trú mưa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Chả
    Món ăn làm từ thịt, cá hay tôm băm hoặc giã nhỏ, ướp gia vị, rồi rán hoặc nướng, dùng để ăn kèm cơm hay bún, bánh cuốn, bánh phở. Ở miền Bắc, món này được gọi là chả.

    Chả quế

    Chả quế

  10. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  11. Chánh tổng
    Gọi tắt là chánh, chức quan đứng đầu tổng. Cũng gọi là cai tổng.
  12. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  13. Bảo hộ
    Giúp đỡ và che chở. Trước đây thực dân Pháp lấy danh nghĩa bảo hộ để xâm lược nước ta và nhiều nước khác.
  14. Sông Bồ Đề
    Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  15. Ở đây có thể là cầu Long Biên.
  16. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  17. Câu Mang
    Còn có tên là thần Câu Long, vị thần mùa xuân trong văn hóa Trung Hoa. Ở nước ta, từ đời vua Lý Thánh Tông trở về sau cũng có tục thờ thần Câu Mang. Vào thời nhà Nguyễn, hằng năm, triều đình và nhân dân có tục rước thần Câu Mang tượng trưng bằng đứa trẻ chăn trâu đứng cạnh con trâu. Năm nào được mùa thì đứa trẻ đi bằng cả hai chiếc giày, năm nào mất mùa thì chỉ đi một chiếc giày. Các triều vua Nguyễn đều tổ chức tế và rước con trâu và Mang thần bằng đất. Tuy nhiên, từ triều vua Khải Định trở về sau con trâu và đứa trẻ chỉ vẽ vào vải để tế và rước.

    Lễ tế trâu dưới thời Nguyễn

    Lễ tế trâu dưới thời Nguyễn

  18. Rau bợ
    Một loại rau dại mọc nhiều ở các bờ ao, rãnh, mương, đầm lầy, thân bò ngang mặt bùn, lá nổi trên mặt nước hay vươn lên khỏi mặt nước. Rau bợ có vẻ ngoài rất giống cây me đất, ăn bùi, ngọt như rau ngót, có vị hơi chua của me, tanh giống diếp cá. Rau phơi khô dùng như trà thuốc có tác dụng giải nhiệt cơ thể, trị ngứa, rôm sảy mùa hè.

    Rau bợ

    Rau bợ

  19. Bánh in
    Một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đức thành khuôn mặt đáy của bánh thường khắc các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc các hình trang trí khác và gói trong giấy bóng kính ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách.

    Bánh in

    Bánh in

  20. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  21. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  22. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  23. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  24. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  25. Đây là ba việc cực nhọc theo "tổng kết" của người xưa.
  26. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
  27. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  28. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.