Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngù
    Núm tròn chụp lên chóp mũ nón, cán cờ, cán binh khí thời trước, thường có đính những tua màu đẹp rủ xuống hoặc chòm lông dài.
  2. Hương án
    Bàn thờ, thường để bát hương và các vật thờ cúng khác.

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

  3. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng

  4. Bài ca dao này nói về việc vua Hàm Nghi cùng đại thần Tôn Thất Thuyết khởi xướng phong trào Cần Vương chống Pháp.
  5. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  6. Hàm Nghi
    (3 tháng 8 năm 1871 – 4 tháng 1 năm 1943), vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Hàm Nghi là vị vua yêu nước, chủ trương chống Pháp. Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt và đày sang Alger (thủ đô xứ Algérie), tại đây ông sống đến năm 1943 thì qua đời vì bệnh ung thư dạ dày.

    Vua Hàm Nghi

    Vua Hàm Nghi

  7. Đồng Khánh
    (19 tháng 2, 1864 – 28 tháng 1, 1889) Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông là vị vua không chống Pháp, "tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp" (theo sách của Trần Trọng Kim). Vua Đồng Khánh ở ngôi chỉ được ba năm thì bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12, khi mới 24 tuổi.

    Vua Đồng Khánh

    Vua Đồng Khánh

  8. Xằng
    Sai, bậy.
  9. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  10. Rạm
    Loài cua nhỏ thân dẹp có nhiều lông, sống ở vùng nước lợ. Rạm giàu chất bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc như: rạm rang lá lốt, rạm nướng muối ớt, canh rạm rau đay, canh rạm rau dền mồng tơi...

    Con rạm

    Con rạm

  11. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  12. Sơn son thếp vàng
    Sơn màu đỏ và dát vàng mỏng lên với mục đích trang trí.

    Sơn son thếp vàng

    Sơn son thếp vàng

  13. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  14. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  15. Song le
    Nhưng mà (từ cũ).

    Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng
    Gác tình duyên cũ chẳng đường trông
    Song le hương khói yêu đương vẫn
    Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng

    (Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ)

  16. Nhân sâm
    Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.

    Nhân sâm

    Nhân sâm

  17. Chà
    Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là (cành nè, cây nè).

    Dỡ chà

    Dỡ chà

  18. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  19. Nhật thực
    Hiện tượng thiên văn học xảy ra khi mặt trăng chen vào giữa mặt trời và trái đất. Khi quan sát từ trái đất, mặt trăng che khuất một phần hay toàn bộ mặt trời, làm trời tối giữa ban ngày và cho cảm giác mặt trời bị mặt trăng ăn (thực).
  20. Giờ Ngọ
    Khoảng thời gian từ khoảng 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Xem thêm Khắc.
  21. Bài ca dao này nói về trận bão năm Giáp Thìn (1904). Các cụ già kể lại: Một trận mưa bão dữ dội kéo dài suốt ngày 13 tháng 3 âm lịch làm trời đất tối âm u.
  22. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  23. Sống đời
    Sống hoài, sống mãi.
  24. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  25. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  26. Chỉ tình cảnh khốn khó những năm mất mùa, đói kém.
  27. Hòn Khói
    Một bán đảo nằm cách thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà chừng 10km về hướng Đông Bắc. Có tài liệu chép rằng xưa kia tại đây là cửa biển quan trọng, triều đình nhà Nguyễn cho đặt quan trấn phòng ngự, trên đỉnh núi có chất củi khô, khi nào có giặc bể vào cướp bóc thì quan trấn ra lệnh đốt lửa un khói làm hiệu để gọi quân tiếp viện. Vì vậy nơi này có tên là Hòn Khói, tên chữ là Yên Cang.

    Ngày nay, Hòn Khói là một bán đảo đẹp, cảnh quan hấp dẫn, nơi có nhiều chim yến làm tổ của tỉnh Khánh Hoà, đồng thời cũng là vựa muối của cả nước.

    Ruộng muối ở Hòn Khói

    Ruộng muối ở Hòn Khói

  28. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá