Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  2. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  3. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
  4. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  5. Mòng
    Cũng gọi là mòng mòng hoặc ruồi trâu, loài ruồi lớn chuyên hút máu trâu bò, truyền nhiễm bệnh dịch ở gia súc.

    Ruồi trâu

    Ruồi trâu

  6. Thao
    Loại vải có sợ thô và to, mặt vải còn chưa sạch gút (mối vải).
  7. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  9. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  10. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  11. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  12. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  13. Che
    Dụng cụ để ép mía lấy nước đường nấu thành đường tán tại các lò mía đường. Trước đây che mía được người hoặc trâu kéo, sau này thì có nơi dùng máy móc. Theo tác giả Hoàng Sơn: “Ông che” là hai súc gỗ lớn hình trụ tròn, bên giữa mỗi súc gỗ là trục quay được cố định một đầu để có thể tự đứng thẳng. Hai súc gỗ này được người ta đẽo rãnh răng cưa và khớp nhau như bánh nhông. Trên đỉnh một “ông che” được gắn một đoạn tre để nối ra ngoài. Đoạn tre này khi được buộc vào lưng trâu sẽ đóng vai trò như một thanh truyền lực. Chỉ cần đánh trâu đi vòng tròn, cả hai “ông che” sẽ quay đều và có thể nghiền nát bất cứ thứ gì lọt vào rãnh răng đó. Do vậy, ngày xưa người trực tiếp cho mía vào “máy” phải là người có kinh nghiệm nếu không sẽ gặp nguy hiểm. Bà Lệ tiếp lời: “Đến mùa làm đường, “ông che” được dựng ngay giữa bãi mía, bên trong một căn chòi gọi là chòi đạp. Khi cho mía vào “ông che”, nước mía sẽ chảy xuống một cái thùng đặt bên dưới sau đó được chuyển sang bếp nấu với những chiếc chảo gang đã nóng. Trung bình mỗi bận, nấu được khoảng 60 lít mật.”
  14. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  15. Bài ca dao được cho là nói về làng Bảo An, xưa là một làng nghề nổi tiếng với nghề làm đường.
  16. Bồ Nâu
    Đọc trại là Bù Nâu, một cánh đồng rộng hàng trăm mẫu, ngày nay thuộc làng Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Lúa cấy trên cánh đồng Bồ Nâu cho thứ gạo tuyệt ngon, ngày xưa chuyên dùng để tiến vua.
  17. Đồng Đám
    Địa danh nay thuộc xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là nơi mà trong chiến dịch đại phá quân Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), một đạo quân của vua Quang Trung đã ém sẵn. Sau một trận đánh chớp nhoáng, từ Đại Áng, đạo quân này đã dồn cả vạn quân Thanh xuống đầm Mực (thuộc làng Quỳnh Đô gần đó) rồi xua voi giày chết. Trước đây ở Đồng Đám có nhiều trâu, và trâu Đồng Đám nổi tiếng là béo, khỏe.
  18. Cật
    Toàn bộ phần phía sau lưng. Còn có nghĩa khác là quả thận, nhiều nơi còn gọi là bầu dục.
  19. Gập ghình
    Gập ghềnh (phương ngữ Nam Bộ và Nam Trung Bộ).
  20. Còng gió
    Loại còng ở biển, chạy rất nhanh. Nhân dân ta thường bắt còng gió làm mắm hoặc làm món ăn, nhất là trong những ngày biển động.

    Còng gió

    Còng gió

  21. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  22. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  23. Hát huê tình
    Hay hát hoa tình, cũng gọi hát đối, hát giao duyên, hát ghẹo, lối hát mang âm hưởng hát ru pha với điệu hò, thường có đệm thêm những câu "em ôi," "bớ anh ơi," hay "này bạn mình ơi" v.v. Hát huê tình có nội dung chủ yếu là lời tán tỉnh, trêu ghẹo, ướm tình ý giữa đôi trai gái với nhau.
  24. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  25. Đút
    Đốt (phương ngữ).
  26. Eo
    Teo tóp lại (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  27. Sượng mẹ, bở con
    Kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các loại củ (sắn, dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ...). Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon.
  28. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Trần Đỉnh
    Tục gọi là Tú Đỉnh (vì đỗ Tú tài), người làng Gia Cốc, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông nguyên là thành viên Nghĩa Hội Quảng Nam, cũng vừa là Tán Tương Quân Vụ vùng chín xã Sông Con thuộc miền nguồn tây Đại Lộc. Trước ngày Pháp tấn công vào Bộ chỉ huy ở Trung Lộc, ông nghe lời chiêu hồi của vua Đồng Khánh, đến chiến khu Trung Lộc thuyết phục Nguyễn Duy Hiệu cùng ra đầu hàng. Ông Hiệu đã ra lệnh chặt đầu Trần Đỉnh bêu ở chợ Trung Lộc để răn đe.
  30. Chín xã Sông Con
    Chín xã thuộc huyện Đại Lộc, quanh lưu vực sông Con. Nơi đây từng là căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam thời Cần Vương. Vùng này cũng gọi là Tân tỉnh (tỉnh mới, đối lập với Hội An là tỉnh lị cũ do Pháp chiếm đóng).
  31. Đồng Khánh
    (19 tháng 2, 1864 – 28 tháng 1, 1889) Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông là vị vua không chống Pháp, "tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp" (theo sách của Trần Trọng Kim). Vua Đồng Khánh ở ngôi chỉ được ba năm thì bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12, khi mới 24 tuổi.

    Vua Đồng Khánh

    Vua Đồng Khánh

  32. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  33. Nói hành
    Nói xấu về người khác.
  34. Trong chay ngoài bội
    Những đám lễ lớn, bên trong làm cỗ chay, bên ngoài dựng rạp mời đoàn hát bội. Cụm từ "trong chay ngoài bội" chỉ những cảnh bận bịu rộn ràng.

    Hát bội

    Hát bội

  35. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  36. Để
    Ruồng bỏ.