Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sông Hàn
    Tức Hàn Giang, một con sông nằm ở thành phố Đà Nẵng và cùng với Ngũ Hành Sơn được xem là biểu tượng của thành phố này. Sông bắt đầu từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn tới vịnh Đà Nẵng, tại chỗ giáp ranh giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà.

    Cầu Sông Hàn về đêm

    Cầu Sông Hàn về đêm

  2. Non Nước
    Tên một bãi biển đẹp thuộc quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là tên của cụm Ngũ Hành Sơn thuộc thành phố này.
  3. Sơn Trà
    Tên một bán đảo nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là tên một ngọn núi thuộc khu vực này.

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

  4. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  5. Bóng đi trên trời: Rươi thường xuất hiện vào những ngày trời âm u, nhiều mây, gọi là mây bóng rươi.
  6. Gian hùng
    Người có tài năng nhưng mưu mô quỷ quyệt, không từ thủ đoạn nào để đạt mục đích của mình.

    Tào Tháo

    Tào Tháo, nhân vật gắn liền với hai chữ "gian hùng"

  7. Có bản chép: anh hùng.
  8. Nguyễn Văn Tường
    Một nhân vật lịch sử của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh năm 1824 tại Triệu Phong, Quảng Trị, làm quan đến chức phụ chính đại thần dưới triều Nguyễn, chủ trương đánh Pháp. Năm 1874, do tình thế bắt buộc, ông phải đại diện triều đình kí kết hòa ước Giáp Tuất, công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Năm 1884, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên ngôi. Năm 1885, trận Kinh thành Huế thất bại, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua bôn tẩu khắp nơi. Sau ông về trở về hợp tác với Pháp, chịu nhiều nghi kị. Sau ông bị đày đi Tahiti và mất ở đó vào ngày 30/7/1886.

    Từng có nhiều nhận xét khen chê của hậu thế về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, nhưng cho đến nay đã thống nhất: ông là người có công với dân tộc.

    Nguyễn Văn Tường

    Nguyễn Văn Tường

  9. Hoàng Kế Viêm
    Phò mã và danh tướng nhà Nguyễn, tên thật là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, người làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông kết duyên với con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hương La, nhưng chẳng bao lâu thì vợ mất. Khi quân Pháp xâm chiếm nước ta, Hoàng Kế Viêm đứng về phe chủ chiến. Sau khi triều đình kí Hòa ước Giáp Thân (1884) với Pháp, vua Kiến Phúc đã ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm lúc đó đang đóng ở Sơn Tây rút quân về Huế, nhưng ông không tuân lệnh, vẫn ở lại phối hợp với quân Thanh đánh Pháp. Mãi đến khi Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, ông mới chịu về Huế, nhưng cương quyết không hợp tác với phe chủ hòa.

    Năm 1884, ông được phong làm Thái tử Thiếu bảo, Cơ mật viện Đại thần. Chẳng bao lâu ông xin về trí sĩ nhưng không được, mãi đến đời vua Thành Thái, năm 1889, ông mới được nghỉ hưu, về quê sống đến khi mất (1909), thọ 89 tuổi. Hiện vẫn còn khá nhiều tranh cãi về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

    Mộ Hoàng Kế Viêm tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình

    Mộ Hoàng Kế Viêm tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình

  10. Ông Ích Khiêm
    Một danh tướng của nhà Nguyễn. Ông sinh ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý (tức 25 tháng 1 năm 1829) tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Vốn tính nghiêm khắc, nóng nảy đến mức ngang bướng, đời làm quan của ông có nhiều thăng trầm, nhiều lần bị cách chức rồi phục chức. Tháng 6 âm lịch năm 1884, vua Kiến Phúc mất đột ngột. Ông Ích Khiêm lúc ấy đang bị giam trong quân lao Bình Thuận, hay tin, liền nhịn đói luôn bốn ngày, viết di chúc rồi uống thuốc độc mất.
  11. Tôn Thất Thuyết
    Quan phụ chính đại thần của nhà Nguyễn, người đã cùng vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh Pháp. Ông sinh năm ngày 29 tháng 3 năm Kỷ Hợi, tức 12 tháng 5 năm 1835 tại làng Phú Mộng, bên bờ sông Bạch Yến cạnh Kinh thành Thuận Hóa, nay thuộc thôn Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế, làm quan đại thần trong triều Nguyễn. Khi Pháp xâm chiếm nước ta, ông thuộc phe chủ chiến. Tất cả những người có quan hệ mật thiết với Pháp đều bị ông tìm cách trừ khử. Cùng với Nguyễn Văn Tường, ông lần lượt phế bỏ các vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, để cuối cùng đưa Hàm Nghi lên ngôi. Sau thất bại ở trận Kinh thành Huế năm 1885, ông lưu lạc nhiều nơi, chủ trương cầu viện nhà Thanh đánh Pháp, nhưng những hoạt động của ông đều không mang lại kết quả. Ông mất tại Trung Quốc vào ngày 22 tháng 9 năm 1913.

    Về cuộc đời Tôn Thất Thuyết, hiện nay có khá nhiều đánh giá trái ngược nhau. Một số học giả phê phán ông là phản thần, nghịch tặc vì đã liên tục phế vua, trong khi một số khác thì ca ngợi ông là một người nặng tấm lòng yêu nước.

    Tôn Thất Thuyết

    Tôn Thất Thuyết

  12. Có bản chép: thằng.
  13. Võ phu
    Người chỉ có sức khoẻ, cậy khoẻ, thiếu trí tuệ.
  14. Đề Đức
    Tên một quan đề đốc của triều Nguyễn, có bản chú là Vũ Văn Đức, lại có bản chú là Nguyễn Đức. Hiện chưa tìm được thông tin cụ thể về nhân vật này.
  15. Trần Xuân Soạn
    Một vị tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, làm đến chức Đề đốc nên còn gọi là Đề Soạn. Đầu tháng 4 năm 1885, thời vua Hàm Nghi, ông cùng Tôn Thất Thuyết đánh Pháp đóng ở đồn Mang Cá trong trận Kinh thành Huế. Sau khi thất bại, ông lãnh nhiệm vụ tổ chức phong trào Cần vương ở Thanh Hóa. Ít lâu sau, ông sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ và tổ chức lại lực lượng, nhưng rồi bị mắc kẹt luôn ở bên đó. Ở Long Châu, được sự giúp đỡ của một số sĩ phu Hoa Nam, ông đã tổ chức được mấy toán quân, và nhiều lần về hoạt động ở biên giới, nhưng tất cả đều không thành công. Năm Quý Hợi (1923), Trần Xuân Soạn mất tại Long Châu, thọ 74 tuổi.
  16. Bài ca dao này ra đời sau thất bại của trận Kinh thành Huế vào năm 1885, dẫn đến toàn bộ quyền triều chính lọt vào tay người Pháp. Lúc ấy có tin đồn Kinh đô thất thủ là do Pháp sắp đặt và những người lãnh đạo cuộc tấn công là nội gián của Pháp, nhằm tiếp tay cho Pháp đô hộ Việt Nam sớm hơn.
  17. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  18. Thiệt thà
    Thật thà (thổ ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Thượng Kinh
    Chỉ kinh thành Thăng Long (Hà Nội xưa).
  20. Cam sành
    Một loại cam có vỏ dày, sần sùi, thịt có màu cam hoặc vàng đậm, nhiều nước, được xem là một giống cam rất ngon.

    Quả cam sành

    Quả cam sành

  21. Trường An
    Kinh đô Trung Quốc thời nhà Hán và nhà Đường, ngày nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

    Hán và Đường là hai triều đại có thời gian cai trị lâu dài, có ảnh hưởng văn hóa sâu rộng đối với các nước lân cận, vì thế "Trường An" hay "Tràng An" cũng được dùng để phiếm chỉ nơi kinh đô. Ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê, và kinh đô Thăng Long thời Lí, Trần, Hậu Lê đều được gọi là Tràng An.

  22. Thài lài
    Cây thân cỏ, thường mọc hoang ở những nơi đất ẩm, lá hình trái xoan nhọn, hoa màu xanh lam hay tím. Được dùng làm thuốc chữa viêm họng, viêm thận, phù thũng, phong thấp, viêm khớp, rắn cắn...

    Cây và hoa thài lài trắng

    Cây và hoa thài lài trắng

  23. Hàng vây (gai) cứng trên sống lưng cá (từ Hán Việt).
  24. Lỗi đạo vô nghì
    Không có tình nghĩa, đạo lí.
  25. Ấm tích
    Loại ấm thường làm bằng sành hoặc gốm sứ, lớn hơn ấm trà độc ẩm (loại ấm thông dụng trong phòng khách ngày nay, có kích cỡ nhỏ vì nguyên thủy chỉ dành cho một người uống), thường được bỏ vào giỏ ủ đan bằng tre hay mây, bên trong có chằn vải bông giữ nhiệt. Ấm tích thường được dùng hãm chè xanh hoặc trà tươi, có quai cầm bên trên và có khả năng ủ chè nóng lâu.

    Bộ ấm tích

    Bộ ấm tích

  26. Chung
    Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).

    Chung trà

    Chung trà

  27. Chén chung lỡ bộ
    Sự thể không toàn vẹn, không đủ bộ. Thường để nói con gái lỡ duyên.
  28. Bợm
    Kẻ chuyên lừa bịp, nhiều mánh khóe (bịp bợm), hoặc kẻ sành sỏi về ăn chơi (bợm nhậu, bợm bạc).
  29. Đấu vật
    Môn võ cổ truyền, đồng thời cũng là trò chơi dân gian phổ biến trong các dịp hội hè đình đám ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ.

    Xem thêm bài khảo cứu Vật cổ truyền Việt Nam của Phan Quỳnh.

    Đấu vật trên tranh dân gian Đông Hồ

    Đấu vật trên tranh dân gian Đông Hồ

  30. Máy gân
    Đường gân rung khẽ, co giật nhẹ ngoài ý thức (thường do trạng thái kích động, hưng phấn).
  31. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  32. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  33. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  34. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  35. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  36. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  37. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  38. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  39. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  40. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  41. Cha chả
    Thán từ dùng để biểu lộ sự ngạc nhiên (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  42. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  43. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  44. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.