Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  2. Mỹ Lồng
    Còn gọi là Mỹ Luông, một cái chợ có từ lâu đời, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sách Gia Định thành thông chí chép: "Nơi bờ phía bắc (sông Bến Tre) là chợ Mỹ Luông (tên cũ của chợ Mỹ Lồng) phố xá liền lạc, người buôn bán tụ hội đông đảo." Nơi đây nổi tiếng với đặc sản bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, được chia làm nhiều loại: bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh ngang chỉ có dừa không sữa; bánh sữa không dừa...

    Bánh tráng Mỹ Lồng

    Bánh tráng Mỹ Lồng

  3. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  4. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  5. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  6. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  7. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  8. Giỏ cá
    Đồ đựng cá được đan bằng tre, giữa hơi thắt lại, trong miệng có hom để cá không chui ra ngoài được.

    Giỏ cá

    Giỏ cá

  9. Sơn
    Chất chế từ nhựa cây sơn, cùng họ với xoài, lá kép lông chim, dễ gây dị ứng với người dùng khiến mặt mày sưng tấy.

    Nhựa cây sơn

    Nhựa cây sơn

  10. Đàng cả
    Đường lớn.
  11. Ngư phủ
    Người đánh cá (từ Hán Việt).
  12. Hổng
    Không (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  14. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  15. Bồ Tát
    Viết tắt của Bồ-đề-tát-đỏa, cách phiên âm tiếng Phạn bodhisattva sang chữ Hán Việt, nghĩa là người hữu tình (tát đỏa) đã giác ngộ (bồ đề). Theo Phật giáo đại thừa, bồ tát là những người đã đạt được cảnh giới, nhưng quyết không trở thành Phật khi nào toàn bộ chúng sinh còn chưa giác ngộ. Phật tử khi tụng kinh thường niệm Bồ Tát.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  16. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  17. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  19. Chị của mẹ.
  20. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  21. Gạo ngữ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gạo ngữ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  22. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  23. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ

  24. Sông Lô
    Còn có tên là sông Mã (ít dùng, do dễ nhầm lẫn với sông Mã ở Thanh Hóa), một phụ lưu của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào nước ta tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối sông là "ngã ba sông" Việt Trì, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy và sông Gâm, ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ là sông Phó Đáy và sông Con.

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

    Sông Lô đoạn chảy qua Hà Giang

  25. Làng Đông
    Một làng thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, chuyên nghề bán, mổ lợn.
  26. Dây tơ tạo
    Dây tơ của ông tạo. Xem chú thích Nguyệt Lão.
  27. Đan Nê
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có núi Đồng Cổ (cũng có tên là núi Đan Nê) cùng với các di tích như chùa Thanh Nguyên và đền thờ thần Đồng Cổ.

    Đền thờ thần Đồng Cổ

    Đền thờ thần Đồng Cổ

  28. Chợ Bản
    Chợ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Có tên như vậy vì chợ được họp ở làng Bản Đanh, xã Định Long. Đây là một trong những chợ lớn nổi tiếng của Yên Định, chuyên trao đổi, bán mua nông sản, trâu bò, lợn gà, gia súc gia cầm cũng như các món ẩm thực đặc sản của vùng quê Yên Định. Chợ rất đông đúc, nên những gì đông đúc tấp nập thường được dân địa phương ví là "đông như chợ Bản."
  29. Chợ Chùa
    Tên một cái chợ thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
  30. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  31. Dãi phẩm
    Nhuộm phẩm màu vào vải rồi đem phơi.
  32. Tháng sáu là vụ gặt chiêm, tháng mười là vụ gặt mùa.
  33. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  34. Cá bầu eo
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá bầu eo, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  35. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  36. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  37. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo