Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lái
    Người chuyên nghề buôn chuyến một loại hàng hóa nhất định (lái gỗ, lái trâu...)
  2. Khuê Cầu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Khuê Cầu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  3. Đánh quay
    Một trò chơi dân gian rất phổ biến trước đây. Người chơi dùng một sợi dây quấn quanh con quay, sau đó bổ (lăng, giật) thật nhanh để con quay xoay càng nhiều vòng trước khi đổ càng tốt. Con quay có thể làm bằng gỗ, sừng, chũm cau, hạt nhãn, hạt vải, hạt mít, đất sét...

    Ngày xưa vào những ngày lễ Tết thường tổ chức đánh quay, có thể có tranh đua ăn tiền.

    Tùy theo địa phương mà trò này có các tên khác là đánh vụ, đánh gụ hoặc đánh cù. Con quay cũng có các tên tương ứng là bông vụ, con gụ hoặc con cù.

    Đánh quay

    Đánh quay

  4. Áo cổ kiềng
    Một loại áo ngắn tương tự như áo bà ba ở miền Nam, cổ áo ôm sát cổ và được may viềng nẹp như cái kiềng, nên có tên gọi như vậy.
  5. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  6. Cố
    Giao tài sản (đồ đạc, ruộng đất...) cho người khác để làm tin.
  7. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  8. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  10. Truyện phong tình
    Truyện kể về tình cảm nam nữ, trước đây thường bị các nhà nho chỉ trích, phê phán.
  11. Thúy Kiều
    Nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, vì bán mình chuộc cha mà phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, gặp nhiều đắng cay khổ sở, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần," cuối cùng mới được đoàn viên cùng người tình là Kim Trọng.
  12. Kim Trọng
    Một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kim Trọng là một thư sinh hào hoa phong nhã, bạn học của Vương Quan (em ruột Thúy Kiều). Kiều và Kim Trọng gặp và đem lòng yêu nhau. Khi phải bán mình chuộc cha, Kiều nhờ em là Thúy Vân thay mình gá nghĩa cùng Kim Trọng. Sau mười lăm năm lưu lạc, hai người lại đoàn viên.
  13. Tây Sương Ký
    Tên đầy đủ là Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký (Thôi Oanh Oanh chờ trăng dưới mái Tây), một vở tạp kịch của Vương Thực Phủ, sáng tác trong khoảng những năm Đại Đức (1297-1307) đời Nguyên Thành Tông (1295-1307) ở Trung Quốc, có nội dung miêu tả cuộc tình duyên vượt qua môn đăng hộ đối và lễ nghi phong kiến của một tiểu thư đài các là Thôi Oanh Oanh và chàng thư sinh Trương Quân Thụy. Tây Sương Ký có ảnh hưởng rất lớn đối với những sáng tác tiểu thuyết và kịch bản về đề tài tình yêu ở các đời sau, tuy nhiên trước đây các nhà nho thường xem nó là "dâm thư."
  14. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Nhị Độ Mai
    Tên một truyện thơ Nôm của một tác giả khuyết danh, gồm 2.826 câu thơ lục bát, biên soạn theo cuốn tiểu thuyết Trung Quốc Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai ra đời khoảng triều Minh - Thanh. Truyện có nội dung kể về những biến cố xảy ra trong hai gia đình họ Mai và họ Trần do bị gian thần hãm hại. Về cuối truyện, gian thần bị trừng trị, hai họ hiển vinh, con trai nhà họ Mai là Lương Ngọc cưới con gái nhà họ Trần là Hạnh Nguyên.

    Sau Truyện KiềuLục Vân Tiên, Nhị Độ Mai là một tác phẩm được quần chúng yêu thích và phổ biến rộng rãi.

    Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
    Sao em lại đứng với người đi xem?
    Mấy lần tôi muốn gọi em
    Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ

    (Đêm cuối cùng - Nguyễn Bính)

  16. Hạ Nghinh Xuân
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện dã sử Chung Vô Diệm, do hồ ly tinh biến hóa mà thành.
  17. Yên
    Tên một quốc gia chư hầu ở phía bắc của nhà Chu, tồn tại từ thời kỳ đầu của Tây Chu qua Xuân Thu tới Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Thời kỳ Chiến Quốc Yên là 1 trong số 7 bảy quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng tới chiến cuộc nhất, được sử sách liệt vào "thất hùng." Năm 222 TCN Yên bị nước Tần tiêu diệt. Một số danh sĩ nước Yên có thể kể đến: Tô Tần, Trương Nghi, Nhạc Nghị, Kinh Kha...
  18. Án Anh
    Cũng gọi là Yến Anh hay Yến (Án) Tử, tự là Bình Trọng, tể tướng của nước Tề. Ông nổi tiếng trong lịch sử là thông minh, đĩnh ngộ và có tài ngoại giao.
  19. Đây là những nhân vật và tình tiết trong truyện dã sử Chung Vô Diệm.
  20. Đây là hai nhân vật trong truyện kiếm hiệp Bồng Lai Hiệp Khách.
  21. Trần ai
    Chốn bụi bặm, chỉ đời sống thế tục.
  22. Anh tài
    Người có tài năng hơn người (từ Hán Việt).
  23. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Có bản chép: Đó phụ đây.
  25. Có bản chép: biển.
  26. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  27. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  28. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  29. Sưa
    Còn được gọi là huỳnh đàn, trắc thối, một loại cây thân cao, tán rộng, dẻo dai, chống chịu gió bão tốt, cho gỗ quý. Gỗ sưa chắc, thơm và nặng hơn gỗ bình thường, đặc biệt có vân gỗ rất đẹp nên rất được ưa chuộng để làm những đồ mĩ nghệ có ý nghĩa phong thủy, tâm linh. Cây sưa cũng được trồng lấy bóng mát.

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

  30. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  31. Má đào
    Má hồng, chỉ người phụ nữ đẹp.

    Bấy lâu nghe tiếng má đào,
    Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
    (Truyện Kiều)

  32. Cơm khô là cơm thảo, cơm nhão là cơm hà tiện
    Cùng một lượng gạo, nếu nấu nhão sẽ được nhiều cơm hơn, tiết kiệm hơn.
  33. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  34. Sảy
    Cũng viết là sẩy, động tác hất cái nia hoặc sàng đựng lúa lên xuống đều đặn để tách vỏ và hạt lép ra khỏi hạt mẩy.

    Sảy lúa

    Sảy lúa

  35. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  36. Thiên trường địa cửu
    Dài như trời, lâu như đất. Thường được dùng để chỉ tình cảm bền lâu (thành ngữ Hán Việt).
  37. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  38. Lâm
    Tới, đến, đụng phải, gặp phải (từ Hán Việt).
  39. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  40. Thăng Long
    Tên cũ của Hà Nội từ năm 1010 - 1788. Tương truyền Lý Thái Tổ khi rời kinh đô từ Hoa Lư đến đất Đại La thì thấy rồng bay lên nên mới gọi kinh đô mới là Thăng Long (rồng bay lên). Ngày nay, tên Thăng Long vẫn được dùng nhiều trong văn chương và là niềm tự hào của người dân Hà Nội.

    Ai về xứ Bắc ta đi với
    Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
    Từ độ mang gươm đi mở cõi
    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

    (Huỳnh Văn Nghệ)

    Trong thơ văn cổ, Thăng Long cũng được gọi là Long Thành (kinh thành Thăng Long), ví dụ tác phẩm Long Thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn ở Thăng Long) của Nguyễn Du.

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

    Thăng Long - Kẻ Chợ qua nét vẽ của thương nhân người Hà Lan Samuel Baron (1865)

  41. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  42. Đất rồng
    Đất có vị trí địa lí thuận lợi, theo thuật phong thủy.

    "... ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời."
    (Chiếu dời đô)

  43. Có bản chép: Cá tươi xem lấy đôi mang.
  44. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  45. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  46. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  47. Thầy đồ
    Người dạy chữ Nho cho trẻ con ngày xưa.

    Thầy đồ, thầy đạc
    Dạy học, dạy hành
    Vài quyển sách nát
    Dăm thằng trẻ ranh

    (Tú Xương)

    Thầy đồ dạy học trò

    Thầy đồ dạy học trò

  48. Bát
    Bát phẩm. Ở một số triều đại phong kiến ngày trước, cấp bậc quan lại được chia theo phẩm trạch, cao nhất là nhất phẩm, thấp nhất là cửu phẩm.
  49. Đô
    Đô úy, một chức quan chuyên trông coi về mặt quân sự một quận dưới thời phong kiến.

    Cử nhân: cậu ấm Kỷ
    Tú tài: con đô Mỹ
    Thi thế cũng là thi
    Ới khỉ ơi là khỉ!

    (Than sự thi - Tú Xương)

  50. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  51. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  52. Mộng hùng
    Nằm mơ thấy con gấu. Từ này lấy từ một điển cố trong Kinh Thi, đại ý nói nằm mộng thấy gấu là điềm sinh con trai. Người sau hay lấy câu Mộng hiệp hùng bi làm lời chúc mừng người sinh con trai.
  53. Lẫy
    Động tác lật người từ nằm ngửa sang nằm sấp của em bé.
  54. Gió độc Gò Công
    Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
  55. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  56. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  57. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng