Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  2. Hoàng kì
    Một loại cây, rễ sấy khô là một vị thuốc cũng tên là hoàng kì. Theo y học cổ truyền, hoàng kì có tác dụng trị ung nhọt, lở loét, bệnh gan, bệnh thận...

    Hoàng kì

    Hoàng kì

  3. Trần bì
    Vỏ quýt sấy khô, dùng làm thuốc.

    Trần bì

    Trần bì

  4. Chỉ xác
    Quả cam hoặc quýt hái lúc gần chín, phơi khô, dùng làm thuốc. Chỉ là tên cây, xác là vỏ. Vì quả chín ruột quắt chỉ còn vỏ với xơ nên gọi là chỉ xác.

    Chỉ xác

    Chỉ xác

  5. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Hoàng thiên
    Trời vàng (từ Hán Việt). Gọi vậy vì mặt trời có màu vàng.

    Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng này. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết.
    (Tam Quốc diễn nghĩa, Phan Kế Bính dịch)

  7. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  8. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  9. Nỏ thiết mô
    Không ham đâu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Chà
    Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là (cành nè, cây nè).

    Dỡ chà

    Dỡ chà

  11. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  12. Hiếu sự vi tiên
    Lấy việc hiếu thảo làm đầu (thành ngữ Hán Việt).
  13. Mộ thê tử
    Yêu mến vợ con.
  14. Sinh thành
    Sinh ra và nuôi nấng, dạy dỗ cho thành người (từ Hán Việt).
  15. Đội Cấn
    Tên thật là Trịnh Văn Cấn (1881 - 1918), người làng Yên Nhiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông còn có tên khác là Trịnh Văn Đạt, là viên đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp ở Thái Nguyên. Ông cùng Lương Ngọc Quyến - một chí sĩ yêu nước bị giam tại nhà tù ở Thái Nguyên - lãnh đạo binh lính người Việt đứng lên chống Pháp vào đêm 30/8/1917. Từ đó đến ngày 5/9, các cuộc tấn công của địch liên tiếp nổ ra. Do không chống nổi lực lượng của địch, nghĩa quân phải rút lui. Ngày 10/1/1918, trong trận chiến đấu với quân Pháp tại núi Pháo, Đội Cấn bị thương nặng và tự sát.

    Di ảnh Đội Cấn

    Di ảnh Đội Cấn

  16. Đội Cung
    Tên thật là Trần Công Cung, tham gia lực lượng lính khố xanh tại Nghệ An và thăng dần lên chức Đội. Đêm 13/1/1941, ông cùng 11 lính đồn Chợ Rạng tiến về Đô Lương giết viên đồn trưởng đồn Đô Lương rồi cùng 25 lính ở đây tiến về Vinh ngay trong đêm đó với mục đích chiếm trại Giám Binh (thành Nghệ An) rồi phát triển ra các nơi khác. Do bị lộ nên nghĩa binh bị đàn áp, binh biến chấm dứt. Cuối tháng 2/1941, Tòa án binh Hà Nội xử 51 bị can trong vụ khởi nghĩa Rạng - Đô Lương. Đội Cung, cai Vỵ cùng 9 người lính khác bị kết án tử hình, 12 người bị án chung thân, 2 người bị án 20 năm khổ sai... Sáng 25/4/1941, ông bị hành quyết ở Vinh.
  17. Sử xanh
    Ngày xưa khi chưa có giấy, sử sách được chép lên miếng tre trúc, có vỏ màu xanh, nên được gọi là sử xanh (thanh sử).

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

    Một bản sách chép lên mảnh trúc

  18. Nhà thờ Lớn Hà Nội
    Tên chính thức là Nhà thờ Chính tòa thánh Giuse, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, được xây dựng từ năm 1884, nay thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

    Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

    Nhà thờ Lớn Hà Nội xưa

  19. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  20. Ra vời
    Ra khơi đánh bắt cá.
  21. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  23. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  24. Cá chình
    Một loại cá có da màu đen, thân mình dài chừng 40-50cm, tròn lẳn, hơi giống lươn. Thịt cá chình dai, ngon, rất bổ dưỡng.

    Cá chình

    Cá chình

  25. Công tử bột
    Trong tác phẩm Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam cho rằng thành ngữ Công tử bột có nguồn gốc từ một nhân vật trong hát bội tên là Hoa Bột, Ba Bột: "Hoặc hát khách thằng Bột: rượu bọt ngon, con gái tốt đẹp, xang xang xang cống xang xê cống cống xang xê. Hoa Bột, Ba Bột là tên của nhân vật xấu gần như vai hề, tính tình kiêu hãnh trong tuồng hát bội (nay hãy còn gọi là công tử bột). Trong Kim Thạch Kì Duyên của Thủ Khoa Nghĩa có bài hát thằng Bột: Cậu Ái Lang chữ đặt, cha tri phủ giàu sang, như nhà cụ: cửa nhà chớn chở bạc vàng, hầu thiếp nhởn nhơ điếu đỏ. Nói chi bạn hàng cũ, nuốn con gái nguyên. Cậu chơi hoài hoài, thiên hoàng thiến chi hoang, sướng đế sướng đê chí sướng…"

    Ngày nay thành ngữ này dùng để chỉ những công tử, cậu ấm con nhà giàu, không biết làm việc gì, chỉ biết chơi (hoặc học).

  26. Áo chẹt
    Áo bó sát người (chẹt có nghĩa là chỗ hẹp).
  27. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  28. Khiếp
    Nhát gan, sợ sệt (từ gốc Hán Việt).
  29. Dũng
    Dũng cảm, mạnh mẽ, gan góc (từ Hán Việt).
  30. Khuất
    Co, cong; khuất phục (từ Hán Việt).
  31. Thân
    Duỗi (từ Hán Việt).
  32. Lưu Bang
    Hiệu là Hán Cao Tổ, hoàng đế đầu triều Hán của Trung Quốc. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Lưu Bang có mũi cao, râu dài giống rồng và có 72 nốt ruồi trên chân trái, thích rượu và gái, tính tình phóng khoáng bao dung. Ông khởi binh chống Tần, tranh thiên hạ với Hạng Vũ (đời sau gọi là Hán-Sở phân tranh hoặc Hán-Sở tranh hùng), sau cùng diệt được Sở, lên ngôi đế vào năm 202 trước Công Nguyên. Nhà Hán do ông lập ra kéo dài hơn bốn thế kỉ, được xem là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là "người Hán," và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là "Hán tự."

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

  33. Hạng Vũ
    Tên huý là Hạng Tịch, còn gọi là Tây Sở Bá Vương. Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Hạng Vũ là một anh hùng có sức mạnh "bạt sơn cử đỉnh," yêu thương quân sĩ nhưng lại có lòng nhân "của đàn bà" (cách dùng từ trong Sử Ký), hay nghi ngờ các tướng lĩnh, vì vậy mà cuối cùng thất bại vào tay Lưu Bang.
  34. Mạo
    Tướng mạo, dáng mặt, vẻ mặt (từ gốc Hán Việt).
  35. Tháp Chàm
    Tên gọi chung của những công trình dạng đền tháp của người Chăm (xưa gọi là người Chàm), trước đây sinh sống ở khu vực nay là Nam Trung Bộ. Tháp được xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông, có không gian bên trong chật hẹp, thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông. Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Một số (quần thể) tháp Chàm tiêu biểu: Thánh địa Mỹ Sơn, tháp Bà, tháp Hưng Thạnh, tháp Nhạn...

    Tháp Bà (Po Nagar)

    Tháp Bà (Po Nagar)

  36. Thủ Thiện
    Một ngôi tháp cổ Chăm Pa hiện nằm tại làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

    Tháp Thủ Thiện

    Tháp Thủ Thiện

  37. Dương Long
    Một cụm di tích gồm ba tháp Chăm thẳng hàng trên một gò cao thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, gồm ba tháp: tháp giữa cao 24 mét, hai tháp bên cao 22 mét. Phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu.

    Tháp Dương Long

    Tháp Dương Long

  38. Bể dâu
    Từ tiếng Hán thương hải tang điền (biển xanh, nương dâu). Tiếng Việt ta có thành ngữ là bãi bể nương dâu. Theo Thần tiên truyện, tiên nữ Ma Cô nói với Vương Phương Bình rằng "Từ khi được hầu tiếp ông đến nay đã thấy biển xanh ba lần biến thành nương dâu."

    Các từ ngữ bể dâu, bãi bể nương dâu, dâu biển (biển dâu) đều chỉ sự biến đổi, thăng trầm của cuộc đời.

    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

    (Truyện Kiều)

  39. Tiềm long
    Con rồng ẩn mình. Từ này xưa dùng để chỉ những người có tài năng lớn nhưng chưa ra mặt, còn ở ẩn đợi thời cơ.
  40. Vân du
    Đi chơi trên mây. Chỉ việc thành đạt, được công danh ngày trước.