Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  2. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  3. Ru
    Sao? (trợ từ nghi vấn cổ).
  4. Khánh
    Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.

    Cái khánh

    Cái khánh

  5. Chùa Hồ Sen
    Một ngôi chùa dựng trên miếng đất nổi giữa hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, ngày nay không còn.
  6. Chi chi
    Một loại cá nhỏ, thân mềm, khi bị vớt lên khỏi mặt nước thì nhanh chóng mềm nhũn ra. Chi chi dùng làm mắm rất tốt vì mau ngấu và rất ngon, ngoài ra còn dùng để phơi khô và chế biến thành nhiều món ăn khác.

    Cá chi chi sốt chua cay

    Cá chi chi sốt chua cay

  7. Rạch Chiếc
    Địa danh nay thuộc xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
  8. Cầu Đôi
    Tên chung của hai cây cầu nhỏ song song nhau ở xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cầu nay không còn, nhưng vẫn còn địa danh chợ Cầu Đôi, bùng binh Cầu Đôi, bưu điện Cầu Đôi...
  9. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  10. Nam Hán
    Một vương quốc tồn tại từ năm 917 đến năm 971, trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (907-960), địa bàn trải dọc theo bờ biển phía nam Trung Quốc, kinh đô đặt ở Hưng Vương Phủ, ngày nay là thành phố Quảng Châu. Tên nước ban đầu là Đại Việt, sau đó đổi thành Đại Hán, trong sử gọi là Nam Hán để phân biệt với nước Bắc Hán trong cùng thời kì.

    Nam Hán giáp giới với nước ta, lúc ấy có tên là Tĩnh Hải quân (quân là một đơn vị hành chính quân sự đặt ra thời Đường, mỗi quân do một Tiết độ sứ cai trị). Trong một thời gian ngắn (từ khoảng 930-931), Nam Hán chiếm được Tĩnh Hải quân (bao gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay) nhưng không giữ được do bị Dương Đình Nghệ đánh đuổi. Năm 937, Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu (Phú Thọ) - nổi lên giết chết Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân là Dương Đình Nghệ để nắm quyền, cũng xưng là Tiết độ sứ. Con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền nghe tin, từ Ái Châu (Thanh Hóa) đem quân ra đánh. Kiều Công Tiễn cầu cứu Nam Hán, vua Nam Hán liền đưa quân sang, nhưng bị đánh bại tại trận Bạch Đằng (năm 938).

  11. Ngô Quyền
    (898 - 944) còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử nước ta. Năm 938, ông lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng lịch sử, chính thức kết thúc một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, trị vì từ năm 939 đến năm 944.

    Tranh vẽ trận Bạch Đằng năm 938

    Tranh vẽ trận Bạch Đằng năm 938

  12. Rau sam
    Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.

    Rau sam

    Rau sam

  13. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Cá nhồng
    Một loại cá săn mồi có cơ thể thuôn dài với các quai hàm khỏe, rất phàm ăn. Cá nhồng sống ngoài biển khơi, có thể bắt gặp ở dạng sống đơn độc hoặc thành bầy xung quanh các rạn san hô.

    Cá nhồng

    Cá nhồng

  15. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  16. Chèo
    Một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tiêu biểu của nước ta, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người sáng lập chèo là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10. Chèo dùng cách nói ví von luyến láy, thường có nội dung lấy từ các truyện cổ tích, truyện nôm, mô tả cuộc sống của người dân. Nhạc cụ được dùng trong chèo gồm đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, các loại trống, chũm chọe...

    Xem vở chèo Hề cu Sứt do nghệ sĩ Xuân Hinh trình diễn.

  17. Cội
    Gốc cây.
  18. Gà rằn
    Giống gà nhỏ con, lông có nhiều vệt xám rằn ri.

    Gà rằn

    Gà rằn

  19. Dứa
    Còn gọi là thơm hoặc gai, loại cây ăn quả có thân ngắn, lá dài, cứng, có gai ở mép và mọc thành cụm ở ngọn thân, quả có nhiều mắt, phía trên có một cụm lá.

    Cây dứa đang ra quả

    Cây dứa đang ra quả

  20. Có bản chép: mỏng gừng.
  21. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  22. Ngan
    Còn gọi là vịt Xiêm, ngan dé, ngan cỏ, một giống gia cầm thuộc họ vịt nhưng lớn hơn vịt, đầu có mào thịt đỏ. Tương truyền đây là giống ngan ngày xưa Xiêm La (tên gọi cũ của Thái Lan) mang triều cống nước ta. Thịt ngan được chế biến thành nhiều món ăn ngon như bún ngan, ngan giả cầy, ngan om sấu, ngan nấu măng, v.v.

    Vịt xiêm mái ấp trứng

    Vịt xiêm mái giỏi ấp trứng và giữ con

  23. Tròng
    Ghe, thuyền nhỏ.