Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Họa vô đơn chí
    Tai họa không đến riêng lẻ (mà đến dồn dập cùng lúc).
  2. Quạnh
    Quạnh quẽ, vắng vẻ.
  3. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  4. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  5. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  7. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  9. Tiền
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta, bằng 60 đồng tiền kẽm.
  10. Mê Kông
    Trước ta gọi là sông Khung, là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới (dài 4.909 km, đứng thứ 12, và về lưu lượng nước đứng thứ 10) bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Việt Nam được gọi chung là hệ thống sông Cửu Long.

    Sông Mê Kông là một trong những hệ sinh thái và vựa cá nước ngọt giàu có nhất thế giới, có giá trị kinh tế lớn lao đối với người dân sống và canh tác ven sông. Theo ước tính, khoảng hơn 100 triệu người hạ lưu vực đang phụ thuộc vào các vùng đất ngập nước thuộc lưu vực sông Mê Kông trong sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản và các hoạt động phục vụ sinh kế khác.

  11. Xu
    Cách đọc phiên âm tắt của từ tiếng Pháp surveillant, chỉ giám thị hay người trông coi công nhân làm việc trong các công trường, nông trường, nhất là trong các đồn điền cao su thời Pháp thuộc.
  12. Sông Con
    Một con sông phát nguyên từ dãy núi Đồng Rập (ranh giới của hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế) và núi Bà Nà, hợp lưu tại An Điềm, chảy qua vùng đồng bằng hẹp xã Đại Lãnh rồi nhập vào sông Vu Gia ở ngã ba Hà Tân. Một số bản đồ của Pháp trước đây ghi là sông Côn, nhưng thực ra đây là nhánh sông Con để phân biệt với sông Cái.
  13. Sông Cái
    Tên gọi đoạn trung lưu của sông Vu Gia, trong cùng hệ thống với sông Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam, bắt nguồn từ vùng biên giới Việt - Lào, nối với sông Thu Bồn ở huyện Đại Lộc.
  14. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  15. Hà Nha
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

  16. Chun
    Chui (phương ngữ).
  17. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  18. Bể
    Biển (từ cũ).
  19. Đền Bà Áo The
    Cũng gọi là Phủ Bà, một ngôi đền thờ ở làng Liễu Đôi, Hà Nam. Theo thần phả của làng, bà Áo The chính là một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Tương truyền, khi giặc phương Bắc sang tàn phá bờ cõi, ở làng Thượng có một người con gái họ Lê nằm mơ thấy một vị tiên cho mình một cái áo the. Khi tỉnh dậy, thấy có áo thật, bà lấy mặc thử vào người. Nhưng khi cởi ra thì lại có một cái khác lại xuất hiện ở trên người. Càng cởi, áo càng nhiều, cho đến khi áo chất thành một đống cao. Bà liền chiêu mộ những chị em các làng gần xa về đánh giặc. Khi mặc áo của bà vào, ai cũng có sức khoẻ như thần, nghĩa quân đánh trận nào thắng trận đó. Sau khi bà mất, nhân dân nhớ ơn, lập đền thờ.
  20. Xem chú thích Liễu Đôi.
  21. Vạn thọ vô cương
    Thọ vạn năm chẳng cùng. Đây là lời chúc thọ.
  22. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Rậm.
  24. Cân móc
    Còn gọi là cân treo, một loại cân thường gặp trước đây, gồm một thanh ngang có khắc vạch, một đầu treo một quả cân di chuyển được, đầu kia là móc cân. Khi muốn cân, người ta móc hàng hóa vào móc cân rồi dịch chuyển quả cân theo vạch ở đầu kia, cho đến khi nào cân thăng bằng thì đọc số ở vạch.

    Cân móc

    Cân móc

  25. Nhân sâm
    Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.

    Nhân sâm

    Nhân sâm

  26. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).