Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gáo vàng
    Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.

    Gáo vàng

    Gáo vàng

  2. Nam đáo nữ phòng
    (Chữ Hán) Con trai đến phòng của con gái. Nguyên văn:

    Nam đáo nữ phòng nam tất đãng
    Nữ đáo nam phòng nữ tất dâm

    (Con trai đến phòng của con gái thì là người phóng đãng, không đứng đắn
    Con gái đến phòng của con trai thì là người dâm dật).

    Đây là một trong những lễ giáo khắc nghiệt thời phong kiến.

  3. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  4. Cươi
    Sân (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  6. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  7. Yên Thái
    Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.

    Làng Bưởi ngày xưa

    Làng Bưởi ngày xưa

  8. Mâm cẩn sui
    Mâm quả để biếu sui gia trong lễ cưới.
  9. Mui
    Phần sụn trước mũi cá.
  10. Cá chuồn
    Tên một họ cá biển có chung một đặc điểm là có hai vây ngực rất lớn so với cơ thể. Hai vây này như hai cánh lượn, giúp cá chuồn có thể "bay" bằng cách nhảy lên khỏi mặt nước và xòe vây lượn đi, có thể xa đến khoảng 50 mét. Cá chuồn sống ở những vùng biển ấm, thức ăn chủ yếu của chúng là các phiêu sinh vật biển.

    Ở nước ta, cá chuồn có nhiều ở những vùng biển miền Trung. Cá chuồn có thể chế biến thành nhiều món ăn như nướng, kho, nấu bún...

    Cá chuồn đang bay.

    Cá chuồn đang bay.

  11. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  12. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  13. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  14. Biên khu
    Vùng đất lớn ở biên giới (từ Hán Việt).
  15. Rồng rồng
    Cũng gọi là ròng ròng, tên chung của những con cá con mới nở từ trứng của một số loài cá như cá tràu, cá chuối, cá sộp...
  16. Nạ
    Mẹ. Theo học giả An Chi, đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn từ chữ 女 (nữ).
  17. Nây
    Béo, mập tròn, đầy đặn.
  18. Chuột bầy làm chẳng nên hang
    Đông người mà không có trí thì chẳng làm nên sự gì. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  19. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  20. Đèo bòng
    Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
  21. Thù đủ
    Đu đủ (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Trà Ôn
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, là vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái của tỉnh. Huyện có cù lao Mây trên sông Hậu, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch vườn. Ngoài ra Trà Ôn còn có chợ nổi ngay ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, quy tụ nhiều ghe thuyền đông vui tấp nập. Đến Trà Ôn, du khách còn có thể viếng lăng Thống chế Điều Bát, chùa Gò Xoài, đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh...

    Chợ nổi Trà Ôn

    Chợ nổi Trà Ôn

  23. Nguyễn Văn Tồn
    (1763–1820) Một danh tướng nhà Nguyễn, có công lớn trong việc giúp Thoại Ngọc Hầu chỉ huy quân dân đào kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang) và giúp dân nhiều vùng trong hai tỉnh Vĩnh Long-Trà Vinh khai khẩn đất hoang, thành lập nhiều xóm làng. Ông nguyên gốc người Khmer, có tên là Thạch Duồng hay Thạch Duông, nhờ lập nhiều công lớn mà được chúa Nguyễn Ánh ban cho tứ danh là Nguyễn Văn Tồn, về sau lại được phong hàm Thống chế, lãnh chức Điều bát nhung vụ (nên được gọi là Thống chế Điều bát). Mùng 4 tháng Giêng năm Canh Thìn (tức 27 tháng 2 năm 1820), ông bị bệnh mất tại Trà Ôn (Vĩnh Long). Tại đây vẫn còn đền thờ ông.

    Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông

    Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông