Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  2. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  3. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  4. Cốc
    Loài chim lội nước thuộc họ Bồ nông, thức ăn là các loại động vật thủy hải sản nhỏ

    Chim cốc

    Chim cốc

  5. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  6. Thuôn
    Chế biến món ăn làm từ thịt bằng cách nấu nhiều nước cùng với hành và rau răm.

    Thịt bò thuôn

    Thịt bò thuôn

  7. Bàu Gõ
    Địa danh nay thuộc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
  8. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  9. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  10. Đệm
    Miếng đệm dùng cho ghe đi trên sông, thường làm bằng cọng bàng. Vùng bán đảo Thủ Thiêm vốn là vùng trũng thuận lợi cho các loại bàng, lác phát triển. Đặc biệt là vùng đất Cây Bàng xưa rất nổi tiếng với nghề đan đệm buồm bằng cọng bàng.

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

    Sơ chế cỏ bàng để đươn đệm

  11. Hát ví
    Lối hát giao duyên nam nữ phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, xưa kia thường dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.
  12. Xem chú thích "chân vân" ở đây.
  13. Đàn cò
    Còn gọi là đàn nhị, một loại đàn có hai dây, chơi bằng cách kéo vĩ. Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải thêm về đàn cò tại đây.

    Kéo đàn nhị

    Kéo đàn nhị

  14. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  15. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  16. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  17. Tiền Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, gồm có bốn nhánh nhỏ hơn đổ ra biển Đông qua sáu cửa là Tiểu, Đại, Ba La, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Trên lãnh thổ Việt Nam, Tiền Giang chảy qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  18. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Quản
    Người Nam Bộ đọc là quyển, một loại nhạc cụ hình ống giống như ống sáo, ống tiêu.
  20. Thiệt
    Thật (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ này được đọc trại ra như vậy do kị húy bà vương phi Lê Thị Hoa (được vua Gia Long đặt tên là Thật).
  21. Bất nhân
    Không có tính người, tàn ác (từ Hán Việt).
  22. Ý của câu tục ngữ này là chỉ có những của cải làm ra một cách lương thiện mới có thể giữ được lâu bền.
  23. Phù vân
    Đám mây nổi rồi tan ngay, chỉ sự có rồi lại mất đi, không lâu bền.
  24. Cúp
    Cắt (đọc theo âm tiếng Pháp của couper).
  25. Canh tân
    Cải cách theo lối mới.
  26. Bài Vè cúp tóc này theo truyền văn là của Phan Khôi viết năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh khởi xướng.
  27. Cố cùng
    Lúc cùng khốn. Luận ngữ: Vệ Linh Công nói: "Tiểu nhân cùng tư lạm hỹ" (kẻ tiểu nhân gặp lúc cùng khốn thì làm bậy, làm càn).
  28. Xáu láu xua lua
    Láu táu, lanh chanh (phương ngữ Phú Yên).
  29. Thê tróc, tử phọc
    Vợ trói, con buộc (thành ngữ Hán Việt). Chỉ sự trói buộc của người đàn ông khi đã có gia đình. Tiếng Việt ta cũng có một thành ngữ tương tự là Vợ bìu con ríu.
  30. Sông Gianh
    Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng TrongĐàng Ngoài.

    Một khúc sông Gianh

    Một khúc sông Gianh

  31. Lần hồi
    Lần lần, từ từ, ngày này qua ngày khác.
  32. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  33. Đình Khao
    Tên một ngôi đình nằm ven sông Cổ Chiên, nay thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi đình này vừa là nơi thờ Thành hoàng, vừa là nơi binh lính hoàn thành quân ngũ tập hợp về để được khao thưởng (nên mới có tên là Đình Khao). Theo một số tài liệu, đình Khao được xây cất từ thời Gia Long thứ 16 (Đinh Sửu - 1817). Năm 1867, sau khi đánh chiếm ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thực dân Pháp cho triệt hạ hết các thành trì, dinh thự, lăng tẩm... của nhà Nguyễn, đình Khao và vật thờ trong đình đều bị hủy hoại. Khoảng bảy năm sau, dân làng lập chùa Bửu Lâm Tự trên nền đất cũ của đình. Đến năm 1945, giặc Pháp mở đợt ruồng bố ven sông Cổ Chiên, đốt chùa Bửu Lâm. Năm 1961, chùa được dựng lại bằng cây, mái ngói, rồi dần dần được xây dựng khang trang như hiện nay.

    Tại khu vực này cũng có các địa danh liên quan như phà Đình Khao, trung tâm hành hương Đình Khao...

    Cầu xuống phà Đình Khao

    Cầu xuống phà Đình Khao

  34. Ngoan
    Giỏi giang, lanh lợi (từ cổ).
  35. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  36. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  37. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  38. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  39. Nghì
    Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).