Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Giẻ cùi
    Một loài chim thuộc họ Quạ, sống ở những khu vực rừng thưa hoặc cây bụi, có bộ lông màu sắc sặc sỡ. Giẻ cùi rất tạp ăn. Ngoài một số loại hạt, quả, chúng săn cả rắn, rết, chuột, cóc, ếch nhái, côn trùng.

    Dẻ cùi xanh mỏ đỏ

    Giẻ cùi xanh mỏ đỏ

  2. Nại Hiên
    Một làng biển nay thuộc địa phận quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  3. Trong bài viết Lại bàn về các địa danh ở Đà Nẵng, tác giả Lưu Anh Rô cho rằng: Hai chữ Nại Hiên có nghĩa chung là “Nơi ở của những người chịu đựng gian khổ”. Bởi, “Nại” có nghĩa là “chịu đựng”, “Hiên” có nhiều nghĩa nhưng nghĩa phù hợp với địa dư làng này phải là “nhà nhỏ” (hoặc hành lang, túp lều). Lại thêm, để viết được chữ muối thì phải viết chữ “diêm” mà chữ này lại có chữ “lỗ” (nghĩa là đất có vị mặn không thể cày cấy được). Như vậy, Nại Hiên là làng của những người mà đất đai bị nhiễm mặn không thể cày cấy được, họ kiếm kế sinh nhai bằng nhiều cách.
  4. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  5. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  6. Chờm
    Chồm (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  8. Lá thắm
    Hay lá đỏ, hồng diệp, nguyên từ một điển tích Trung Quốc: Đời Đường Hi Tông, có một cung nữ tên Hàn Thúy Tần chịu cảnh cô đơn trong thâm cung, nàng viết thơ lên chiếc lá đỏ giãi bày nỗi niềm rồi thả trôi theo dòng nước. Một thư sinh tên Vu Hựu nhặt được chiếc lá ấy, đồng cảm mà đề thơ lên một chiếc lá khác, chờ nước đổi dòng lại thả xuống. Cung nữ họ Hàn nhặt được, cảm động và cất chiếc lá trong rương. Về sau, Vu Hựu và Hàn Thúy Tần gặp gỡ nhau, kết duyên vợ chồng và nhận ra chiếc lá đỏ đề thơ cả hai cùng lưu giữ. Từ đó "hồng diệp" chỉ nhân duyên vợ chồng.

    Thẳm nghiêm kín cổng cao tường
    Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh

    (Truyện Kiều)

  9. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  10. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  11. Ráng
    Những đám mây sáng rực, có màu vàng hay màu hồng sẫm, do phản xạ ánh sáng mặt trời vào lúc rạng đông hay chiều tà. Từ màu sắc của ráng, nhân dân ta có thể dự đoán được thời tiết.

    Áo chàng đỏ tựa ráng pha
    Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

    (Chinh phụ ngâm khúc)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

  12. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  13. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  14. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  15. Còn sống thì có màu trắng, chết thì chuyển sang màu đỏ.
  16. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  17. Núp
    Nấp (phương ngữ).