Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cờ tướng
    Một trò chơi cờ rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Hai người chơi điều khiển hai nhóm quân (thường có màu xanh-đỏ hoặc trắng-đen), mỗi nhóm có các quân Tướng, Sĩ, Tượng (có nơi gọi là Bồ), Xe, Pháo, Mã, Tốt, đi theo lượt, mỗi quân có cách đi khác nhau. Nếu quân Tướng của bên nào bị "chiếu bí," nghĩa là không còn nước đi, thì bên ấy thua cuộc.

    Ngoại trừ cách chơi này, người ta cũng nghĩ ra một số biến thể của cờ tướng như cờ mù, cờ thế, cờ người, chấp...

    Cờ tướng

    Cờ tướng

  2. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  3. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  4. Khó
    Nghèo.
  5. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  6. Lặn ngòi ngoi nước
    Gian nan vất vả.
  7. Kẹo kéo
    Một loại kẹo làm từ mật mía hoặc đường, trong có nhân đậu phộng. Kẹo kéo dẻo, được cuộn lại thành kẹo to và dài như cánh tay, bọc vải sạch hoặc nylon, khi ăn thì kéo ra một đoạn vừa phải (nên gọi là kẹo kéo). Kẹo kéo ngọt, thơm, rẻ, là một món quà vặt rất quen thuộc của trẻ em.

    Kẹo kéo

    Kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

  8. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  9. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  10. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  11. Suối Tiên
    Còn gọi là suối Bà Nên, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 17 cây số, bắt nguồn từ núi Hòn Bà, chảy quanh co trong các thung lũng, tạo thành nhiều hồ nhỏ rồi đổ ra đồng bằng huyện Diên Khánh.

    Suối Tiên

    Suối Tiên

  12. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  13. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  14. Áo cà sa
    Phiên âm từ tiếng Phạn: 袈裟 (ca-sa), là một loại áo dài mặc ngoài của những người theo đạo Phật.

    Một nhà sư mặc áo cà sa

    Một nhà sư mặc áo cà sa

  15. Chà Và
    Việt hóa từ âm chữ Java, chỉ đảo Java ở Indonesia. Nhưng do từ xưa, người Việt chưa phân biệt rõ về địa lý và nhân chủng của khu vực biển đảo phía nam nên dùng từ "người Chà Và" để gọi chung những người có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia di cư đến Việt Nam.
  16. Ma Ní
    Còn gọi Ma Ni, tức người từ Manille (thủ đô Philippines, xưa ta gọi là Phi Luật Tân, Lữ Tống), trước làm lính thuộc địa của Tây Ban Nha, được Pháp thuê trong thời kì đô hộ nước ta.
  17. Từ tháng mười không có sấm nữa, và đến tháng chạp mới lại có sấm.
  18. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  19. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy