Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Min-khơ
    Cách phát âm của Minsk, một nhãn hiệu xe máy lấy theo tên thủ đô của nước Cộng hòa Belarus, trước đây thuộc Liên Xô. Xe Minsk rất có tiếng ở nước ta vào thời kì bao cấp, khi phong trào đưa người đi lao động và học tập tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa lên cao.

    Xe Minsk

  2. Tò vò
    Loài côn trùng có cánh màng, nhìn giống con ong, lưng nhỏ, hay làm tổ bằng đất trộn với nước bọt của mình. Tổ tò vò rất cứng, trong chứa ấu trùng tò vò.

    Con tò vò

    Con tò vò

  3. Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác
    Theo Minh Tâm Bửu Giám: Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác, tử tế tư lường, thiên địa bất thác. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo. (Tích chứa điều thiện thì gặp thiện, tích chứa điều ác thì gặp ác, phải suy nghĩ cho kĩ, trời đất không khi nào sai lầm cả. Người làm điều thiện thì có điều thiện trả lại, người điều ác thì có điều ác trả lại, nếu chưa thấy trả lại thì là chưa đến ngày giờ).
  4. Mưu thâm họa diệt thâm
    Mưu mô càng hiểm độc thì tai họa đem lại (cho bản thân) càng tai hại.
  5. Đề lao
    Tù ngục.
  6. Tôm sú
    Cũng gọi là tôm cỏ, một loài tôm biển được nuôi làm thực phẩm rất phổ biến ở nước ta.

    Tôm sú

    Tôm sú

  7. Củ kiệu
    Còn được gọi là hành tàu, hẹ tàu, một loài cây thuộc họ Hành, củ màu trắng, lá bọng. Củ kiệu muối là món ăn quen thuộc của dân ta, nhất là vào những ngày Tết (còn gọi là dưa kiệu). Củ kiệu cũng là vị thuốc Đông y giúp làm ấm bụng, bổ thận khí, lợi tiểu...

    Củ kiệu muối

    Củ kiệu muối

  8. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  9. Thực bất tri kì vị
    Ăn mà không biết mùi vị (chữ Hán).
  10. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  12. Cu Đê
    Một địa danh nằm ở phía Bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hiện nay. Tại đây có núi và sông Cu Đê. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: "Núi Cu Đê [...] lại có tên là núi Hoa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), núi nhiều ve ve, người địa phương bắt nấu ăn rất ngon. Mùa thu mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam núi, người ta lấy đấy mà chiêm nghiệm mưa lụt." Làng Cu Đê ngày xưa chính là làng Nam Ô bây giờ.

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

  13. Cửa Đại
    Tên cũ là cửa Đại Chiêm, cửa sông nơi sông Thu Bồn đổ ra Biển Đông, thuộc Hội An, Quảng Nam. Cửa Đại (hay Cửa Đợi) cũng là tên của bãi biển khu vực này.

    Vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa và kinh thành Champa trên đất Quảng Nam, là nơi giao thương buôn bán sầm uất. Hiện nay Cửa Đại là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.

    Biển Cửa Đại

    Biển Cửa Đại

  14. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  15. Kiềng
    Dụng cụ bằng sắt có ba chân, để đặt nồi, chảo lên khi nấu nướng.

    Kiềng ba chân

    Kiềng ba chân

  16. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  17. Rào
    Khúc sông (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  18. Huấn chỉ đế vương
    Theo lệnh của vua.
  19. Rún
    Rốn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  20. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  21. Giang
    Sông lớn (từ Hán Việt).
  22. Có bản chép: thủng thẳng
  23. Lợi
    Lại (phương ngữ Nam Bộ).
  24. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  25. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy

  26. Xuýt chó bụi rậm
    Xúi giục người khác (thường là ngu dốt) lao vào nơi nguy hiểm.
  27. Trà Đông
    Cũng gọi là Chè Đông, tên Nôm là kẻ Chè, xa xưa gọi là kẻ Rỵ, một làng nay thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng có nghề đúc đồng truyền thống (nên cũng gọi là làng Trà Đúc), đồng thời là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trấn Quốc Công, Bộc Xạ Tướng Công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu...
  28. Ngày xưa người ta hay chôn người chết giữa đồng.