Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vắt chân chữ ngũ
    Vắt (bắt) chéo chân nọ qua chân kia như hình chữ ngũ 五, có vẻ khệnh khạng.
  2. Hậu Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề và cửa Định An. Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu chạy qua tỉnh An Giang, làm ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng.

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)

    Bình minh trên sông Hậu (khúc chảy qua Châu Đốc)

  3. Đại trụ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đại trụ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  4. Chánh tế
    Người phụ trách tế lễ trong các lễ nghi ngày trước.
  5. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  6. Hương án
    Bàn thờ, thường để bát hương và các vật thờ cúng khác.

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

  7. Lễ khai niên
    Lễ cúng đầu năm mới để cầu may mắn, phát đạt.
  8. Ông gia
    Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
  9. Nhái bầu
    Tên chung của một số loài nhái có bụng to, lưng thường có màu nâu tối, đôi khi có hoa văn.

    Nhái bầu trơn

    Nhái bầu trơn

  10. Chàng hiu
    Còn gọi là chàng hương, chàng cương, chẫu chàng, nhái bén, một loài thuộc họ ếch nhái, mình nhỏ, chân dài, sống ở đồng ruộng, ao hồ hoặc trên cây.

    Chàng hiu

    Chàng hiu

  11. Nếp
    Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.

    Xôi nếp

    Xôi nếp

  12. Kênh Vĩnh Tế
    Một con kênh đào nằm song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Kênh được vua Gia Long cho bắt đầu đào với tháng 9 âm lịch năm 1819 đến tháng 5 âm lịch năm 1824 mới xong, qua hai lần tạm ngừng rồi tiếp tục đào. Đại Nam nhất thống chí chép: Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.

    Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua Châu Đốc, An Giang

    Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua Châu Đốc, An Giang

  13. Thiên Thai
    Tên một ngọn núi trong truyện Lưu Thần - Nguyễn Triệu đời nhà Hán (Trung Quốc). Nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch), hai người vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc, gặp tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Khi về đến quê hương thì Lưu - Nguyễn thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.

    Thiên Thai được dùng để chỉ cảnh tiên. Việt Nam ta cũng có một câu chuyện tương tự là Từ Thức gặp tiên.

    Nghe bản nhạc Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao.

  14. Tre gai
    Còn có tên là tre hóa, tre nhà, tre đực, một giống tre rất quen thuộc ở nước ta. Đặc trưng của tre gai là những gai nhọn giống như sừng trâu mọc ở mắt tre. Tre gai được trồng làm hàng rào hay trồng gần sông, suối, chân đê để chống xói mòn đất. Gỗ tre gai rất cứng nên thường được dùng làm cọc móng trong xây dựng cũng như dùng làm nguyên liệu để đan rổ rá, đóng bàn ghế và chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ. Thân tre, măng tre và lá tre có thể dùng làm thuốc.

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Bụi tre gai

    Bụi tre gai

  15. Tu trì
    Trung thành và chuyên tâm tu tập theo một tinh thần của một kinh văn nhất định (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
  16. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  17. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  18. Vô duyên
    Không có duyên số tốt.
    Trông chồng mà chẳng thấy chồng
    Đã đành một nỗi má hồng vô duyên

    (Lục Vân Tiên)
  19. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  20. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  21. Lụa lành mười lăm
    Lụa mịn tốt, khổ rộng, dệt bằng nguyên liệu bền.
  22. Lụa hồ
    Lụa thô xấu, mỏng và hẹp bề khổ.
  23. Nem
    Một món ăn làm từ thịt lợn, lợi dụng men của các loại lá (lá ổi, lá sung...) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nem được chia làm nhiều loại như nem chua, nem thính... Nem phổ biến ở nhiều vùng, mỗi vùng đều có hương vị riêng: Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), Lai Vung (Đồng Tháp)...

    Nem chua

    Nem chua

  24. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  25. Cam sành
    Một loại cam có vỏ dày, sần sùi, thịt có màu cam hoặc vàng đậm, nhiều nước, được xem là một giống cam rất ngon.

    Quả cam sành

    Quả cam sành

  26. Quýt hôi
    Một giống quýt thường trồng ở miền núi, cây to, khỏe, quả có vỏ màu vàng tái, bóng, bóc ra có mùi hắc, ruột chua.
  27. Ngọc Hoàng Thượng Đế
    Thường được gọi tắt là Ngọc Hoàng, cũng gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình trong quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam. Theo thần thoại, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Ngọc Hoàng cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên.

    Hình tượng Ngọc Hoàng

    Hình tượng Ngọc Hoàng

  28. Sình
    Bùn lầy (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  30. Nhị tì
    Bãi tha ma, nơi chôn cất người chết. "Nhị tì" chính là chữ "nghĩa địa" đọc theo âm Quảng Đông.
  31. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  32. Tề
    Một nước thuộc thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ khoảng thế kỷ 11 đến năm 221 trước Công nguyên.
  33. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).