Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sông Ba
    Tên phần thượng lưu của sông Đà Rằng, con sông bắt nguồn từ dãy Ngọc Rô của tỉnh Kon Tum, chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, vựa lúa lớn nhất miền Trung với diện tích hơn 20.000 ha.
  2. Kỳ Lộ
    Cũng gọi là sông Cái, một con sông lớn chảy qua tỉnh Phú Yên. Sông dài 120 km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 m tại giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, chảy qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, đổ ra cửa biển Tiên Châu với một phân lưu đổ vào đầm Ô Loan. Các chi lưu của nó là Cà Tơn, suối Cối, Thác Dài. Đoạn chảy trên địa phận tỉnh Phú Yên dài 76 km. Phần thượng lưu của sông chảy giữa các dãy núi, nên hẹp, sâu và có độ dốc lớn. Mùa mưa trên sông hay có lũ. Do có đặc điểm như vậy, hàng ngàn năm những chân núi mà sông đi qua bị bào mòn tạo ra nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp và nên thơ. Tới hạ lưu, sông rộng hơn; hai bên bờ có nhiều bãi cát phẳng. Mùa hè nước sông trong veo tươi mát màu ngọc bích, có nơi nhìn thấy đáy sông.

    Sông Kỳ Lộ

    Sông Kỳ Lộ

  3. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  4. Chỉ
    Chị ấy (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Đinh ninh
    Nói đi nói lại, dặn đi dặn lại cặn kẽ để nhớ kỹ.

    Vầng trăng vằng vặc giữa trời
    Đinh ninh hai mặt một lời song song

    (Truyện Kiều)

  6. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  7. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  8. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  9. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  10. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  11. Môn tây
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Môn tây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  12. Thù đủ
    Đu đủ (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Một, hai... ở đây là cách đếm thứ tự (cái thứ nhất, cái thứ hai...) chứ không phải là số lượng.
  14. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  15. Giú
    Giấu (phương ngữ Trung Bộ), cách ép cho chín một số loại trái cây như mít, chuối, vú sữa, mãng cầu... bằng cách lèn rơm, ủ cho ấm. Thường chỉ trái cây đã già mới được giú. Trái cây còn non mà giú thì gọi là giú ép, và khi chín thì gọi là chín ép.
  16. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Mi
    Mày, ngôi thứ hai số ít để xưng hô thân mật, suồng sã ở các tỉnh miền Trung.
  18. Chết chủ
    Từ để chửi bới, tương tự như "mất dạy" (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  20. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  21. Lưu Nguyễn
    Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
  22. Ghe giã
    Tên một loại ghe cổ, nay vẫn còn gặp ở các tỉnh miền Trung.
  23. Vương Khải
    Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
  24. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  25. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  26. Trường thọ
    Sống lâu (từ Hán Việt).
  27. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Phan Trần
    Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
  29. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  30. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  31. Hút xách
    Hút thuốc phiện, nghiện ngập, một trong tứ đổ tường. Cũng viết là hút sách. Theo Vương Hồng Sển: xách chỉ một động tác của người nghiện á phiện đó là: Tay xách bàn đèn. Xách là cầm, là mang bằng tay, đơn giản thế thôi, cho việc di chuyển trang thiết bị của hút thuốc phiện. Có người cho rằng chữ xách chỉ là tiếng đệm đôi cho có vần.
  32. Giang
    Cũng gọi là lá giang, một loại cây dây leo cho lá có vị chua (nên còn có tên là cây giang chua). Lá giang thường dùng để nấu canh hoặc lẩu, tạo thành những món ăn có vị chua rất đặc trưng.

    Lá giang

    Lá giang

    Canh gà lá giang

    Canh gà lá giang

  33. Sông Thương
    Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.

    Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

  34. Có ý kiến cho rằng câu này nhắc đến bệnh lậu, một chứng bệnh về đường sinh dục ở nam giới.
  35. Có bản chép: Tháng ba cậu chết.
  36. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  37. Đông liễu tây đào
    Cây liễu ở phía đông, cây đào ở phía tây. Cụm từ này thường dùng để chỉ đôi trai gái.
  38. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng