Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quần loe
    Quần dài, có ống rộng về phía mắt cá chân.
  2. Trong thời bao cấp, quần loe và tóc dài (hoặc bù xù) bị xếp vào hàng văn hóa lai căng, không đứng đắn. Một số đơn vị hành chính còn treo biển “Không tiếp quần loe.” Thậm chí trên các ngã tư, đường phố thường có các đội thanh niên tình nguyện chuyên đi cắt quần ống loe và cắt tóc.

    Tóc dài quần loe thời bao cấp

  3. Ổi già
    Trái ổi bị già đẹt (già điếc), cứng và chát, ăn không ngon.
  4. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  5. Hường
    Hồng (phương ngữ Nam Bộ). Từ này được đọc trại ra do kị húy tên vua Tự Đực là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  6. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Hàn vi
    Nghèo hèn (từ Hán Việt)
  8. Mai Hắc Đế
    Sinh vào cuối thế kỷ 7 ở Mai Phụ, Nam Đàn, Nghệ An, mất vào năm 722. Đa số các tài liệu ghi rằng tên thật của ông là Mai Thúc Loan, một số khác lại cho ông tên thật là Mai Phượng, tên tự là Mai Thúc Loan. Năm 713, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (tên vùng Nam Đàn, Nghệ An lúc bấy giờ) chống lại nhà Đường, đến tháng 4 thì xưng đế, lấy hiệu là Mai Hắc Đế, xây dựng kinh đô Vạn An tại vùng Sa Nam, giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713-722). Năm 723, nhà Đường cho lực lượng lớn kéo sang đàn áp, Vạn An thất thủ. Có thuyết nói ông bị chém khi giáp trận với giặc, thuyết khác cho ông bị sát hại sau khi quân Đường chiếm được Vạn An, có thuyết lại nói trong khi rút quân, ông bị rắn độc cắn mà chết.

    Về tên hiệu của ông, một số sử sách chép rằng đó là do ông có làn da ngăm đen. Theo Việt điện u linh tập, theo thuyết Ngũ hành, Dịch lý thì màu đen tượng trưng cho nước, mà Mai Thúc Loan vốn xuất thân ở gia đình nấu muối vùng ven biển nên có thể ông lấy hiệu Hắc Đế để hợp với mệnh của mình.

    Lễ hội đền vua Mai

    Lễ hội đền vua Mai

  9. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  10. Khi Lý Công Uẩn lên 3 tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và đi tu từ đó. Đến năm 7 tuổi, ông được cha nuôi gửi cho người bạn là thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ.
  11. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  14. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  15. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  16. Nước Xoáy
    Vùng nước xoáy mạnh, nguy hiểm trên dòng sông Măng Thít, thuộc địa phận hai xã Tân An Luông (Vũng Liêm) và xã Hòa Hiệp (Tam Bình), tỉnh Vĩnh Long. Để qua lại sông, người dân phải dùng chiếc bắc (phà), nên gọi là Bắc Nước Xoáy.
  17. Dưa gang
    Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.

    Dưa gang

    Dưa gang

  18. Rau đắng
    Cũng gọi là cây càng tôm, cây biển súc, một loại rau hình mũi mác, có vị đắng, thường được dùng làm rau sống hay chế biến nhiều món khác nhau, hoặc làm thuốc.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Nghe bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.

  19. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  20. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  21. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)