Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  2. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  3. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  4. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  5. Họ Hồ làm quan, họ Đoàn làm giặc
    Hai dòng họ ở làng An Truyền (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), họ Hồ có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan (Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Di...), trong khi họ Đoàn có anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng loạn "giặc chày vôi" dưới thời vua Tự Đức (xem thêm).
  6. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  7. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  8. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  9. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  10. Trọt
    Cũng gọi là dọt, mảnh đất phía trước hiên nhà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  11. Treo
    Chiếc gióng dùng để treo đồ ăn lên trên cao.
  12. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  13. Rau câu
    Một loại rong biển, là nguyên liệu chính để làm các món rau câu, thạch, xu xoa... Người dân ven biển những vùng có nhiều rau câu thường vớt rau câu bán.

    Rau câu

    Rau câu

  14. Vạc
    Đồ dùng để nấu, giống cái chảo lớn và sâu, thường làm bằng đồng. Trong chế độ phong kiến, vạc và đỉnh tượng trưng cho quyền lực. Vua chúa ngày xưa thường cho đúc vạc và đỉnh để đặt trong hoàng cung.

    Cái vạc

    Cái vạc

  15. Đinh
    Một triều đại phong kiến trong lịch sử nước ta, bắt đầu năm 968, sau khi Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và kết thúc năm 980 khi con của ông là Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn. Đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), nhà Đinh đã mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.

    Cố đô Hoa Lư, dấu tích kinh đô nhà Đinh

    Cố đô Hoa Lư, dấu tích kinh đô nhà Đinh

  16. Tiền Lê
    Một triều đại phong kiến trong lịch sử nước ta, bắt đầu khi con trai của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Phế Đế nhường ngôi cho Lê Hoàn vào năm 980. Nhà Tiền Lê giữ quốc hiệu Đại Cồ Việt của nhà Đinh, trải qua ba đời vua và chấm dứt khi Lê Ngọa Triều qua đời, và hoàng tử kế vị đang còn nhỏ tuổi.
  17. Dương Vân Nga
    (? - 1000) Hoàng hậu của nhà Đinh (vợ vua Đinh Tiên Hoàng) và nhà Tiền Lê (vợ vua Lê Đại Hành). Hiện nay vẫn còn nghi vấn về tên họ thật của bà (Đại Việt sử kí toàn thư chỉ chép bà là Dương thị, nghĩa là người phụ nữ họ Dương). Tương truyền, lúc sơ sinh bà hay khóc về đêm (khóc dạ đề), thì có một đạo sĩ đi ngang qua, đọc hai câu thơ làm bà nín khóc ngay:

    Nín đi thôi, nín đi thôi
    Một vai gánh vác cả đôi sơn hà

    Con gái của bà với Lê Hoàn là Lê Thị Phất Ngân trở thành hoàng hậu của Lý Thái Tổ, mẹ vua Lý Thái Tông sau này, vì vậy bà được gọi là Dương thái hậu. Hình ảnh bà được nhắc đến nhiều trong dân gian.

    Xem vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga.

    Tượng Thái hậu Dương Vân Nga

    Tượng Thái hậu Dương Vân Nga

  18. Chính cung
    Cung là từ gọi những người hoặc vật thuộc hoàng tộc ngày trước. Chính cung là hoàng hậu, phi tần gọi là lục cung, thái tử là trừ cung, hầu gái trong cung gọi là cung nữ...
  19. Bài ca dao này nhắc việc nhà Tiền Lê lên thay nhà Đinh và thái hậu Dương Vân Nga, vợ góa của vua Đinh Tiên Hoàng, trở thành hoàng hậu của vua Lê Đại Hành.
  20. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  21. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  22. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  23. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  24. Ong bầu
    Một loại ong có thân khá lớn, màu đen, hay gặp trên các giàn bầu bí (vì vậy được gọi là ong bầu). Ong bầu thường làm tổ trong những đốt tre, trúc, tạo thành những lỗ tròn nhỏ bằng ngón tay út.

    Ong bầu

    Ong bầu

  25. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  26. Hoàng kì
    Một loại cây, rễ sấy khô là một vị thuốc cũng tên là hoàng kì. Theo y học cổ truyền, hoàng kì có tác dụng trị ung nhọt, lở loét, bệnh gan, bệnh thận...

    Hoàng kì

    Hoàng kì

  27. Trần bì
    Vỏ quýt sấy khô, dùng làm thuốc.

    Trần bì

    Trần bì

  28. Chỉ xác
    Quả cam hoặc quýt hái lúc gần chín, phơi khô, dùng làm thuốc. Chỉ là tên cây, xác là vỏ. Vì quả chín ruột quắt chỉ còn vỏ với xơ nên gọi là chỉ xác.

    Chỉ xác

    Chỉ xác

  29. Tang chế
    Phép tắc để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  30. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  31. Tham phú phụ bần
    Vì ham giàu (phú) mà phụ bạc người nghèo khó (bần).
  32. Mối manh
    Làm mối (đồng nghĩa với mai mối).
  33. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  34. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  35. Mai
    Buổi sáng.
  36. Hồ dễ
    Không dễ dàng.

    Chưa chắc cây cao hồ dễ im
    Sông sâu hồ dễ muốn êm đềm

    (Buồn êm ấm - Quang Dũng)