Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  2. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  3. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  4. Mả táng hàm rồng
    Mồ mả cha ông được chôn cất ở hàm rồng, tức thế đất rất tốt theo phong thủy. Thành ngữ này chỉ sự may mắn, điều lành lớn.
  5. Thợ khảm
    Người làm nghề chạm khảm các đồ thủ công mĩ nghệ bằng gỗ. Thợ khảm còn gọi là thợ khay. Phố Hàng Khay ở Hà Nội còn có tên là phố Thợ Khảm (Rue des Incrusteurs) do người Pháp đặt.

    Thợ khảm Hà Nội xưa

    Thợ khảm Hà Nội xưa

  6. Đãi đằng
    Tâm sự, giãi bày (từ cổ).
  7. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  8. Bưng Bạc
    Tên một làng thuộc huyện Long Ðất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nay là di chỉ khảo cổ có niên đại thuộc khoảng thời gian cách đây trên dưới 2500 năm (giữa thiên niên kỷ I trước Công Nguyên).
  9. Sình
    Bùn lầy (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Bàu Thành
    Tên một bàu nước lớn hình chữ nhật (dài 450m, rộng 250m), thuộc thôn Long Phượng, thị trấn Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn có tên là Bàu Voi Tắm, nay là di chỉ khảo cổ.

    Bàu Thành

    Bàu Thành

  11. Người ba đấng, của ba loài
    Người có người tốt người xấu, của có của tốt của xấu.
  12. Trân
    (Khoai) luộc chưa chín. Đồng nghĩa với sượng.
  13. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  14. Cầu Ngang
    Cầu tàu trước sở Thương chánh Đà Nẵng ngày trước.
  15. Sơn Trà
    Tên một bán đảo nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là tên một ngọn núi thuộc khu vực này.

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

  16. Lạch Đào
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lạch Đào, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Có bản chép: trụ xi-măng.
  18. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  19. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  20. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  21. Phượng cầu hoàng
    Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:

    Phượng hề phượng hề quy cố hương
    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
    Thời vị ngô hề vô sở tương
    Hữu diện thục nữ tại khuê phường
    Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
    Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
    Tương hiệt ương hề cộng cao tường

    Trong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:

    Cầu hoàng tay lựa nên vần
    Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào

  22. Đèn xanh, quyển vàng
    Ngọn đèn màu xanh, sách bìa vàng. Đây là hình ảnh hoán dụ chỉ sự học hành ngày trước.

    Một ngọn đèn xanh, mấy quyển vàng
    Bốn con làm lính, bố làm quan

    (Quan tại gia - Tú Xương)

  23. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  25. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  26. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  27. Bài
    Cách làm, phương kế, cách xử trí.

    Chút chi gắn bó một hai
    Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh

    (Truyện Kiều)

  28. Đề Gi
    Một làng biển thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm ngay cửa nơi vịnh Nước Ngọt ăn thông ra biển. Đề Gi nổi tiếng với nghề làm muối và nước mắm, và hiện nay cũng đang là một cảng biển tấp nập.

    Cảng cá Đề Gi

    Cảng cá Đề Gi

  29. Nhật trình
    Hành trình trong một ngày, khoảng cách đi được trong một ngày.

    Vài ngày huyện vụ giao xong,
    Ra thành lên kiệu, thẳng giong nhật trình.

    (Nhị Độ Mai)

  30. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  31. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  32. Xuân bất tái lai
    Tuổi trẻ không quay trở lại.
  33. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  34. Màu đào
    Màu đỏ phơn phớt như màu hoa đào.
  35. Thế
    Đời, thế gian (từ Hán Việt).

    Tay bé khôn bưng vừa miệng thế,
    Giãi lòng ngay thảo, cậy thiên tri.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)