Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chợ Đồng Xuân
    Một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, nằm trong khu phố cổ. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chợ Đồng Xuân nằm trong Liên khu Một và trở thành điểm chiến đấu ác liệt. Năm 1995, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành 3 tầng với tổng diện tích mặt bằng gần 14.000m² như hiện nay.

    Cổng chợ Đồng Xuân

    Cổng chợ Đồng Xuân

  2. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  3. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  4. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  5. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  6. Bát đàn
    Bát nông lòng, làm bằng đất nung thô có tráng men, thời xưa thường dùng.
  7. Có bản chép: Ai ơi đừng phụ bát đàn.
  8. Khương Thượng
    Công thần mở nước của nhà Chu bên Trung Hoa vào thế kỉ 11 trước Công Nguyên. Ông họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha nên còn gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên ông được phong ở đất Lữ, về sau ông lại được tôn làm Thái Công Vọng, nên còn được gọi là Lữ Thượng hay Lữ Vọng (Lã Vọng). Hình ảnh của ông thường được thần thoại hóa thành một người phép thuật cao siêu, được thần tiên trợ giúp, có tài hô mưa gọi gió, vãi đậu thành binh.

    Tương truyền Khương Thượng tuổi già thường đi câu cá bằng dây không mắc móc câu ở bờ sông Vị, sau thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương đi săn gặp ông, rất ngưỡng mộ và tôn làm thầy. Hình tượng Khương Thượng câu cá trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa.

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

    Một bức tranh Trung Quốc vẽ cảnh Khương Thượng câu cá

  9. Bất đắc vãng lai
    Không được tới lui thăm viếng (thành ngữ Hán Việt).
  10. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  11. Trầu xà lẹt
    Một loại trầu cho lá mỏng, dài nhọn như lá tiêu, màu hơi vàng, vị cay nồng và chát.
  12. Kền kền
    Cũng có tên là kên kên, đôi khi viết thành kênh kênh hoặc kềnh kềnh, một loài chim ăn thịt và xác chết. Trong văn chương, kền kền thường được dùng tượng trưng cho những người độc ác và cơ hội.

    Kền kền

    Kền kền

  13. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  14. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  15. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  16. Vạn Hà
    Cũng gọi là Vãn Hà, gọi tắt là Vạn, một ngôi làng thuộc huyện Thụy Nguyên, thừa tuyên Thanh Hóa thời Hậu Lê; sau Cách mạng tháng Tám (1945) là làng Dương Hòa, xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa và nay thuộc tiểu khu 8, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là quê hương của Nguyễn Quán Nho, một vị quan thời Lê trung hưng.
  17. Quan Thượng tức quan Thượng thư, người đứng đầu một Bộ thời phong kiến. Trong bài ca dao này, quan Thượng chỉ Nguyễn Quán Nho, từng giữ chức Thượng thư của bộ Binh, bộ Lại, và bộ Lễ dưới thời Lê trung hưng.
  18. Câu ca dao này đề cập đến việc Nguyễn Quán Nho có lần về quê thấy dân đang làm đường, đắp đê sông Chu, liền cho voi và quân lính ra phụ dân.
  19. Đào tơ
    Do tiếng Hán Đào yêu, tên một bài thơ trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Tạ Quang Phát dịch:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    Văn học cổ thường dùng những chữ như đào non, đào tơ, đào thơ, đào yêu... để chỉ người con gái đến tuổi lấy chồng.

  20. Vú sữa
    Loại cây trồng lớn nhanh, thân dẻo, tán rộng. Trái vú sữa to khoảng một nắm tay, da màu xanh, khi chín chuyển sang màu hồng nhạt, tía hoặc nâu ánh lục, vỏ nhiều mủ. Vú sữa hiện có rất nhiều giống như vú sữa Lò Rèn, vú sữa nâu tím, vú sữa vàng. Trong đó, giống vú sữa Lò Rèn được trồng nhiều nhất vì có vỏ mỏng, sáng bóng rất đẹp, thịt trái nhiều, hương vị thơm ngọt. Cây vú sữa được trồng nhiều ở miền Nam nước ta, nhất là ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau và một số tỉnh khác ở miền Trung và miền Bắc. Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam năm 2013, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới xuất khẩu trái vú sữa.

    Trái vú sữa

    Trái vú sữa

  21. Nông Sơn
    Tên một huyện của tỉnh Quảng Nam, trước đây là phía Tây của tỉnh Quế Sơn. Tại đây có mỏ than Nông Sơn, thuộc địa bàn xã Quế Trung.
  22. Bảo An
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bảo An là một làng có nghề nấu đường truyền thống từ thế kỉ 17, nhưng hiện nay đã mai một.

    Xem phóng sự Nghề xưa còn một chút này về nghề nấu đường ở Bảo An.

  23. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  24. Bát Tràng
    Tên một ngôi làng nay thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nổi tiếng với truyền thống làm gốm sứ.

    Gốm sứ Bát Tràng

    Gốm sứ Bát Tràng

  25. Hồ bán nguyệt
    Hồ có hình dạng nửa hình tròn. Bán nguyệt nghĩa là một nửa mặt trăng (từ Hán-Việt).

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên


     

  26. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).