Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  2. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  3. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  4. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  5. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  6. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  7. Cá hanh
    Một loài cá nước lợ giống cá chép, sống ở các cửa sông, đầm phá. Thịt cá trắng, ngọt và mềm, chế biến được thành nhiều món ăn.

    Cá hanh

    Cá hanh

  8. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  9. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  10. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  11. Kiềng
    Dụng cụ bằng sắt có ba chân, để đặt nồi, chảo lên khi nấu nướng.

    Kiềng ba chân

    Kiềng ba chân

  12. Giậu
    Tấm tre nứa đan hoặc hàng cây nhỏ và rậm để ngăn sân vườn.

    Hàng giậu tre

    Hàng giậu tre

  13. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  14. Vũng Thủy Tiên, cửa Vường
    Ngã ba sông, nơi giao nhau giữa sông Luộc và sông Hồng, nay gọi là ngã ba Phương Trà.
  15. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  17. Bẻ bai
    Chê bai, bắt bẻ (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Rau bát
    Một loại dây leo thuộc họ bầu bí, sống rất khỏe, mọc hoang và được trồng ở bờ rào lùm cây. Dây bát có nhiều nhánh, tua cuốn, phiến lá dầy hình tim ngũ giác, hoa trắng, quả như trái dưa chuột nhỏ, khi chín có màu đỏ. Có hai loại rau bát là “bát cái” dây nhỏ nhiều lá, đọt được hái làm rau ăn, và “bát đực” ít lá, được thái lát phơi khô, sao qua làm thuốc nam.

    Rau bát

    Rau bát

  19. Rau sam
    Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.

    Rau sam

    Rau sam

  20. Đạm Nội
    Tên cũ là làng Đám (kẻ Đám), nay thuộc xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
  21. Xuân Phương
    Tên cũ là làng He (kẻ He), nay thuộc phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
  22. Nguyễn Danh Phương
    Còn gọi là quận Hẻo, thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn ở Đàng Ngoài vào thế kỉ 18. Ông tên thật là Nguyễn Danh Ngũ, người làng Tiên Sơn, huyện Yên Lạc, trấn Sơn Tây – nay thuộc Phố Tiên, phường Hội Hợp, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Cuộc khởi nghĩa của ông (bị quân chúa Trịnh gọi là giặc què, vì ông đi tập tễnh) kéo dài từ năm 1740 đến 1751 thì thất bại, ông bị xử tử cùng lúc với quận He Nguyễn Hữu Cầu. Đọc thêm.
  23. Thanh Tước
    Tên một ngọn núi cao 59m, thuộc địa phận xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc thành phố Hà Nội). Đây là nơi quận Hẻo Nguyễn Danh Phương lập tiền đồn chống chúa Trịnh.

    Núi Thanh Tước

    Núi Thanh Tước

  24. “Ăn vô một bữa” chỉ việc nhồi bông vào gối.
  25. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  26. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  27. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công: Tháng tám giáp hạt hết gạo, nông dân cắt lúa non về rang lên làm cốm, làm thính ăn đỡ đói. Các bà, các chị vừa làm vừa nếm. Vì cốm, thính đều khó ăn, ai cũng phải ngậm trong miệng nhai, bất ngờ có người hỏi chuyện cứ ú ớ chẳng khác nào bị câm. Làm cốm, thính phải dùng nia, giần, sàng để sàng sảy, có chút dính vào cũng phải tận thu, "vập" cho ra bằng hết. Tháng ba, ngày tám, chủ thiếu ăn, chó cũng đói giơ xương sườn. Ngửi thấy mùi thơm ngũ cốc, lũ chó quanh quẩn lăn vào la liếm, bị người đuổi ra không được, tiện tay dùng giần, sàng vập (đánh) vào chó.