Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  2. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  3. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  4. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  5. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  6. Vạn thọ
    Một loài cây họ cúc, hoa thường có màu vàng hoặc cam, có rất nhiều cánh. Vì "vạn thọ" có thể dịch thoát ý là "sống thọ một vạn năm," nên hoa vạn thọ thường được nhân dân ta dùng trong các dịp Tết hoặc lễ cúng.

    Hoa vạn thọ

    Hoa vạn thọ

  7. Nở ngày
    Một loài cây thân cỏ lâu năm, cho hoa màu tím. Cây nở ngày thường được trồng làm cây cảnh, ngoài ra còn có thể dùng làm thuốc trị hen và các chứng ho.

    nở_ngày

  8. Trang
    Còn có tên là mẫu đơn, một loại cây cho hoa có các màu đỏ, trắng, vàng. Trang thường được người dân trong nước trồng trước nhà, dưới chân các bàn thiên (nơi thắp hương) ngoài sân, hoặc mọc tự nhiên ở những vùng đồi núi.

    Hoa trang hồng

    Hoa trang đỏ

  9. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  10. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  11. Bài này khi hát, trẻ em thay “Tí” bằng tên của bạn bị chế giễu vào.
  12. Bọ nẹt
    Loài sâu róm xanh, có nhiều lông cứng, rất độc.

    Bọ nẹt

    Bọ nẹt

  13. Tiên Châu
    Tên một cửa biển thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nằm ở hạ lưu sông Cái, sát bên bờ biển. Tiên Châu là vùng đất có phong cảnh đẹp, đồng thời là một cảng biển sầm uất từ thế kỉ 17.
  14. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  15. Bàu Súng
    Tên một bàu nước có diện tích độ 2,5 km2 thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bàu mọc nhiều hoa súng nên có tên gọi như vậy. Xung quanh bàu, người dân trồng nhiều khoai lang, dưa gang, mướp...

    Vớt bông súng trên Bàu Súng

    Vớt bông súng trên Bàu Súng

  16. Rau câu
    Một loại rong biển, là nguyên liệu chính để làm các món rau câu, thạch, xu xoa... Người dân ven biển những vùng có nhiều rau câu thường vớt rau câu bán.

    Rau câu

    Rau câu

  17. Xuân Đài
    Hoặc Sơn Đài, tên một ngọn đèo nay thuộc xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là ranh giới tự nhiên giữa xã An Dân (huyện Tuy An) và xã Xuân Thọ (huyện Sông Cầu) trước đây. Tại đây có một vịnh biển dài khoảng 50 cây số, với nhiều gành đá, bãi cát rất đẹp, cũng tên là vịnh Xuân Đài.

    Vịnh Xuân Đài

    Vịnh Xuân Đài

  18. Sông Cầu
    Một địa danh thuộc tỉnh Phú Yên, nay là thị xã cực bắc của tỉnh. Tại đây trồng rất nhiều dừa và có nhiều sản vật từ dừa. Sông Cầu cũng có nhiều lễ hội tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hoá địa phương như lễ hội cầu ngư, lễ hội Sông nước Tam Giang được tổ chức vào mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch...

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

    Vịnh Xuân Đài, thuộc thị xã Sông Cầu

  19. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  20. Triệt
    Tiêu diệt cho hết.
  21. Mộ
    Mến phục.
  22. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  23. Cá chốt
    Một loài cá có rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thịt có màu vàng óng hoặc trắng, dai và thơm, được chế biến thành rất nhiều món ngon hoặc để làm mắm. Cá chốt có ngạnh nhọn, đâm phải sẽ gây đau nhức. Tên gọi loài cá này bắt nguồn từ tiếng Khmer trey kanchos.

    Đọc thêm truyện Bắt cá chốt của tác giả Trần Văn.

    Cá chốt kho

    Cá chốt kho

  24. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Sông dải non mài
    Nguyên văn chữ Hán: "Lệ sơn đái hà" (ngọn núi nhỏ như hòn đá mài, dòng sông hẹp bằng dải thắt lưng, ý nói sự thay đổi biến chuyển lớn lao trong trời đất) thường dùng khi thề nguyền. Hán Cao Tổ (Trung Quốc) sau khi thống nhất thiên hạ, phân phong đất đai cho các tướng lĩnh, chư hầu, lập lời thề rằng: Dù núi Thái Sơn có mòn đi như hòn đá mài, sông Hoàng Hà có thu lại bằng dải thắt lưng, thì đất phong của các ngươi vẫn mãi mãi yên ổn, truyền đến con cháu.
  26. Sắc thuốc
    Sắc nghĩa là làm cho keo, đậm lại. Sắc thuốc là đun thuốc Bắc hoặc thuốc Nam với lượng nước lúc đầu khoảng ba chén, sau khi sôi thật lâu để thuốc ra hết chất và nước chỉ còn khoảng một chén, vừa uống.
  27. Có bản chép: sáu tháng.
  28. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Sáu Hột.
  29. Quế Sơn
    Địa danh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trước đây. Quế Sơn có nghề truyền thống là làm đồ gốm.
  30. Chợ Giầm Giải
    Một ngôi chợ thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, chuyên buôn tre luồng từ Thanh Hóa chở về.
  31. Luồng
    Cũng gọi là mét, một giống tre có giá trị kinh tế cao, thường được dùng làm nhà, đóng bè mảng, đan lát, làm đũa, làm mĩ nghệ, làm than... Tre có thể bóc mỏng như kiểu bóc gỗ, măng rất ngon. Ở nước ta tre luồng chủ yếu có ở Thanh Hóa, nơi hiện nay có nghề trồng và thu mua tre luồng làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

    Sản xuất than tre luồng

    Sản xuất than tre luồng

  32. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  33. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  34. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  35. Từng
    Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  37. Cậy
    Nhờ giúp đỡ, nhờ vả.

    Cậy em em có chịu lời
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

    (Truyện Kiều)

  38. Mai dong
    Người làm mai, được xem là dẫn (dong) mối để trai gái đến với nhau trong việc hôn nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  39. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.