Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Có bản chép: người quân tử.
  2. Đãi đằng
    Tâm sự, giãi bày (từ cổ).
  3. Chấm muối quăng ra
    Một cách đi của gà chọi: khi bước đi, các ngón chân chụm lại, đến khi sắp sửa chấm đất mới giương ra.
  4. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  5. Kỳ lân
    Một trong tứ linh, trong văn hóa của một số nước Đông Á. Lân có thể đi trên cỏ mà không làm hư hại cỏ, không làm tổn hại các sinh vật nhỏ bé sống trên đó. Lân có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, và sừng là biểu hiện của từ tâm vì không húc ai bao giờ.

    Tượng kỳ lân

    Tượng kỳ lân

  6. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  7. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  8. Ải Bắc non Tần
    Ải Nam Quan ở biên giới phía Bắc (nay thuộc Trung Quốc) và vùng Bảy Núi sát biên giới Campuchia. Trong văn thơ cổ, ải Bắc non Tần (có dị bản là bể Bắc non Tần) thường dùng để chỉ sự xa cách.
  9. Sông Cái
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Phần thượng lưu của sông có rất nhiều thác: Đồng Trăng, Ông Hào, Đá Lửa, Nhét, Mòng, Võng, Giằng Xay, Tham Dự, Ngựa Lồng, Hông Tượng, Trâu Đụng, Giang Ché, Trâu Á... Sông còn có tên là sông Cù (do chữ Kaut của người Chiêm Thành xưa) hoặc sông Nha Trang.

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

  10. Ngựa Lồng
    Một con thác trên sông Cái thuộc tỉnh Khánh Hoà, còn gọi là thác Ngựa hoặc thác Ngựa Oằn.

    Theo Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Thác dài đến trên dưới ba trăm thước. Không dốc nhưng có nhiều đá mọc ngầm dưới nước. Có ba tảng cao nhất, chỏm lên gần sát mặt nước. Nằm theo hàng dọc. Nước chảy xuống bị sức cản, bắn bọt tung tóe. Trông dạng nước chảy qua ba tảng đá ấy, lên cao rồi xuống thấp, giống như kiểu ngựa. Cho nên ba tảng đá mang tên là Kiều Nhất (tảng ở trên hết), Kiều Nhì (tảng ở giữa), Kiều Ba (tảng cuối). Sức nước qua thác Ngựa rất mạnh. Dòng nước chảy cuồn cuộn trông hung hãn như ngựa lồng. Do đó mà mệnh danh là thác Ngựa Lồng."

  11. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  12. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  13. Lụn
    Sắp hết, mòn dần đi.
  14. Lập thân
    Tu dưỡng, học tập cho nên người có tài có đức.
  15. Phong vân
    Phong: gió, vân: mây. Gặp hội phong vân, tức Tế hội phong vân 際會風雲, chỉ sự kẻ hiền tài gặp thời được dùng, công danh hiển đạt. Kinh Dịch: "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thuỷ lưu thấp, hoả tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ" (Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô, mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật trông vào).
  16. Tay kiếm tay cờ
    Một tay cầm kiếm, một tay cầm cờ. Chỉ việc bình định giang sơn, lập nên sự nghiệp lớn.

    "Chúa của ta, tay kiếm, tay cờ mà làm nên sự nghiệp, trong khi nhà ngươi đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, lại bị chúa công ta đánh cho không còn mảnh giáp. Đem so với chúa của ta, nhà ngươi chẳng qua là nước vũng so với ao trời." (Lời Bùi Thị Xuân trả lời câu hỏi của Nguyễn Ánh "Ta so với chúa ngươi ai hơn ai?", trích từ sách Nhà Tây Sơn - Quách Tấn, Quách Giao).

  17. Tám xóm là tám sợi dây quang gánh, mỗi đầu bốn dây. Nửa cây tre: Đòn gánh thường làm bằng tre.

    Quang gánh

    Quang gánh

  18. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  19. Chỉ mành
    Sợi chỉ mỏng manh. Từ này thường dùng để chỉ những sự vật, sự việc không chắc chắn.
  20. Tài bàn
    Một trò chơi dân gian có xuất xứ từ Trung Quốc. Cách chơi tài bàn tương tự như chơi tổ tôm, tuy nhiên chỉ chơi ba người, khác với tổ tôm chơi năm người.
  21. Can trường
    Cũng đọc là can tràng, nghĩa đen là gan (can) và ruột (trường), nghĩa bóng chỉ nỗi lòng, tâm tình.

    Chút riêng chọn đá thử vàng,
    Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?

    (Truyện Kiều)

  22. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  23. Khác thể
    Chẳng khác nào, giống như.
  24. Kim ngân
    Vàng bạc (từ Hán Việt).
  25. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  26. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  27. Án tiền
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Án tiền, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Gia sự
    Chuyện trong nhà (từ Hán Việt).
  29. Dã tràng
    Còn gọi là dạ tràng, một loài giáp xác nhỏ giống con cáy sống ở bãi cát ven biển, hàng ngày vê cát thành từng viên nhỏ để tìm kiếm thức ăn khi thủy triều xuống, nhưng khi thủy triều lên lại đánh tan hết. Đọc thêm về sự tích con dã tràng.

    Dã tràng xe cát

    Dã tràng xe cát

  30. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  31. Nước đứng
    Nước lặng.
  32. Cá linh
    Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.

    Cá linh

    Cá linh

  33. Chung
    Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).

    Chung trà

    Chung trà

  34. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  35. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  36. Thuổng
    Công cụ đào xới đất, tương tự cái xẻng. Từ này ở miền Trung cũng được gọi chệch thành xuổng.
  37. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  38. Bừa
    Nông cụ dùng sức kéo để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ, có nhiều răng để xới, làm tơi đất. Bừa thường được kéo bởi người, trâu bò, ngựa, hoặc gần đây là máy kéo.

    Đi bừa ruộng với chiếc bừa

    Bừa ruộng