Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  2. Cai xã Hạ như rạ Tứ Trùng, nhất trường xã Trung như sung Hai giáp
    Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: Xã Hạ lắm cai như rạ ở đất Tứ Trùng, đỗ nhất trường người xã Trung nhiều như sung Giáp Nhị. Các địa danh Quần Phương hạ, Quần Phương trung, Tứ Trùng, Giáp Nhị đều thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định ngày nay.
  3. Giai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương
    Hai thành phần côn đồ, đáo để ở Hà Nội thời Nguyễn. Nguyên Ngõ Trạm xưa là nơi đặt nhà trạm nhận công văn chuyển đi các tỉnh. Nhà trạm có một viên thừa dịch trông coi, dưới quyền là những lính trạm. Lính này phần lớn là những thành phần táo tợn, hung bạo, khi rỗi việc thường tụ tập bài bạc, hút xách, dần dà thành một hạng người được đặt tên là "trai Ngõ Trạm." Tạm Thương trước là một kho tạm để thu thóc lúa thuế của dân. Ở đó có hạng phụ nữ chuyên nhận việc xúc thóc, đổ thóc, hay bày trò lường đong tráo đấu mưu lợi riêng. Do đó, đối địch được với "trai Ngõ Trạm" có lẽ chỉ có "gái Tạm Thương" vậy.
  4. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  5. Quốc sắc
    Sắc đẹp nhất nước (từ Hán Việt).

    Người quốc sắc, kẻ thiên tài
    Tình trong như đã, mặt ngoài còn e

    (Truyện Kiều)

  6. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  7. Thổ Hậu
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  8. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  9. Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non
    Truyền thuyết ta kể Cao Biền có phép thuật "tản đậu thành binh." Khi cần quân lính, Cao Biền chỉ gieo đậu vào đất, ủ kín một thời gian, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thiếu thần chú, lúc mở ra những hạt đậu cũng thành binh nhưng còn non, chưa đủ sức nên đi lẩy bẩy.

    Một truyền thuyết khác lại kể rằng: khi sang nước Nam để yểm bùa và triệt hạ long mạch, Cao Biền có nuôi 100 âm binh. Đến nước Nam, Cao Biền ở trọ nhà một bà hàng nước và nhờ bà mỗi ngày thắp một nén hương, gọi dậy một âm binh. 100 ngày thắp đủ 100 nén hương sẽ gọi dậy được 100 âm binh. Bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền, giả vờ quên, thắp cả 100 nén hương trong một ngày. Kết quả là 100 âm binh của Cao Biền đã dậy đủ nhưng mà dậy non, thiếu ngày nên chẳng hiệu quả gì.

  10. Hẩm
    Cũng như hẩm hiu, nghĩa là thiệt thòi. Thường dùng để nói về số phận, duyên phận (hẩm duyên, hẩm phận).
  11. Chà
    Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là (cành nè, cây nè).

    Dỡ chà

    Dỡ chà

  12. Nói
    Hỏi cưới (phương ngữ).
  13. Ngọc Hoàng Thượng Đế
    Thường được gọi tắt là Ngọc Hoàng, cũng gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình trong quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam. Theo thần thoại, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Ngọc Hoàng cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên.

    Hình tượng Ngọc Hoàng

    Hình tượng Ngọc Hoàng

  14. Mưa ngâu
    Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  15. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  16. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên