Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cơm phiếu mẫu
    Một điển tích trong văn học Trung Quốc. Sở Vương Hàn Tín thuở hàn vi hay ngồi câu cá dưới thành, một bà làm nghề phiếu hàng lụa (giặt lụa đem phơi cho trắng) thương tình chia cho phần cơm. Được mươi bữa như thế, Tín cảm động hứa sau này sẽ cảm tạ, bà mới giận mắng: "Đại trượng phu không kiếm đủ miếng ăn, tôi thương tình mới cấp dưỡng chứ nào mong đền đáp?" Về sau Hàn Tín công thành danh toại, không quên ơn cũ, mời phiếu mẫu đến tặng nghìn vàng. Từ đó, cụm từ cơm phiếu mẫu được dùng để chỉ lòng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn (có nguồn giảng là sự đền đáp ơn sâu nặng).

    Nghìn vàng gọi chút lễ thường
    Mà lòng phiếu mẫu, mấy vàng cho cân!

    (Truyện Kiều)

  2. Trung trinh
    Trung thành và ngay thẳng.
  3. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  4. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  5. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  6. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  7. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  8. Cặp chân Sáu Nhỏ, cặp chỏ Chà Và
    Giới võ đài và giang hồ miền nam trước 1975 có võ sĩ Sáu Nhỏ (tên thật Trần Văn Trọng) nổi tiếng cặp chân cứng đá cong sắt, còn Chà Và Hương (Ngô Văn Hương) lừng danh đòn chỏ lật.
  9. Rau dền
    Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.

    Rau dền đỏ

    Rau dền đỏ

  10. Trương Nghi
    (? - 309 TCN) Một biện sĩ nổi tiếng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông người nước Ngụy, sau khi học du thuyết với thầy Quỷ Cốc Tử thì đi chu du thiên hạ. Khi ở Sở, có lần vì bị nghi lấy trộm ngọc nên ông bị đánh đập tra khảo. Vợ ông trách ông vì du thuyết mà mang vạ. Ông hỏi vợ "Lưỡi ta còn không?" Vợ trả lời "Còn." Ông cười mà rằng "Vậy là tốt rồi." Sau ông đề xướng chính sách Liên hoành, chống lại việc Hợp tung của Tô Tần và Công Tôn Diễn, làm nên nghiệp lớn.
  11. Tô Tần
    (? – 285 TCN) Tự là Quý Tử, cũng gọi là Tô Tử, một nhà du thuyết nổi danh thời Chiến quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông chủ trương Hợp tung (sáu nước liên kết chống Tần) thành công, và được phong là Lục quốc Tể tướng (tể tướng sáu nước). Sau ông bị đâm chết ở Tề.
  12. Tái thế
    Sống lại (từ Hán Việt).
  13. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  14. Họ
    Những người thuộc đàng trai (hoặc đàng gái) trong đám cưới. Cũng gọi là họ nhà trai, họ nhà gái.
  15. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  16. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  17. Huyền
    Màu đen (từ Hán Việt).
  18. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  19. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  20. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Đào, kép
    Vai diễn trong một vở tuồng, chèo, cải lương... Đào là vai nữ, kép là vai nam. Cô dâu, chú rể trong đám cưới đôi khi cũng gọi là đào kép.

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

  22. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  23. Xẩm
    Một loại hình dân ca từng phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Ca từ của xẩm chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Nội dung của các bài xẩm có thể mang tính tự sự như than thân trách phận, nêu gương các anh hùng, liệt sĩ hay châm biếm những thói hư, tật xấu...

    "Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị (mù) đi hát rong kiếm sống.

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Thưởng thức một bài hát xẩm do nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày.

  24. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  25. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  26. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  27. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  28. Cu Đê
    Một địa danh nằm ở phía Bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hiện nay. Tại đây có núi và sông Cu Đê. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: "Núi Cu Đê [...] lại có tên là núi Hoa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), núi nhiều ve ve, người địa phương bắt nấu ăn rất ngon. Mùa thu mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam núi, người ta lấy đấy mà chiêm nghiệm mưa lụt." Làng Cu Đê ngày xưa chính là làng Nam Ô bây giờ.

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

  29. Cửa Đại
    Tên cũ là cửa Đại Chiêm, cửa sông nơi sông Thu Bồn đổ ra Biển Đông, thuộc Hội An, Quảng Nam. Cửa Đại (hay Cửa Đợi) cũng là tên của bãi biển khu vực này.

    Vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa và kinh thành Champa trên đất Quảng Nam, là nơi giao thương buôn bán sầm uất. Hiện nay Cửa Đại là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.

    Biển Cửa Đại

    Biển Cửa Đại

  30. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  31. Đông Cường
    Tên một thôn thuộc xã Quần Phương hạ, nay thuộc thị trấn Yên Định, tỉnh Nam Định. Tại đây có nhà thờ Đông Cường, một nhà thờ gỗ hoàn toàn không dùng đinh.

    Nhà thờ Đông Cường

    Nhà thờ Đông Cường

  32. Rượu Đông Cường, đường xã Trung
    Theo Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh: Ở Đông Cường (thuộc Hải Hậu, Nam Định ngày nay) có tục bán rượu giả dối, lúc nếm rất ngon, nhưng mang về thì nhạt như nước lã. Xã Trung (Quần Phương trung) đường xá bùn lầy nhớp nháp chẳng ai muốn đến.
  33. Cầu Đôi
    Tên chung của hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa và một dành cho đường bộ, nằm ở cửa ngõ thành phố Quy Nhơn, Bình Định, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.

    Cầu Đôi

    Cầu Đôi

  34. Tháp Hưng Thạnh
    Tên một khu tháp của Chăm Pa, gồm hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau (nên gọi là tháp Đôi), hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)