Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  2. Túy Loan
    Một làng cổ thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Xưa là nơi buôn bán tấp nập, sầm uất.

    Hội làng Túy Loan

    Hội làng Túy Loan

  3. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  4. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  5. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  6. Cầm chầu
    Trong các buổi hát ả đào, hát ca trù, hát bội thời xưa, có một người chuyên đánh tiếng trống khen hoặc chê sau mỗi câu hát, gọi là người cầm chầu. Người cầm chầu phải là người rất am hiểu về nghệ thuật hát.

    Quan viên cầm chầu trong một canh hát

    Quan viên cầm chầu trong một canh hát

  7. Xằng
    Sai, bậy.
  8. Triệu Vân
    Tự là Tử Long (nên cũng gọi là Triệu Tử), một danh tướng nhà Thục, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Một trong Ngũ Hổ tướng (cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung), ông có công rất lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán. Triệu Tử Long thường được nhắc đến với trận Đương Dương trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, trong đó ông một mình một ngựa đưa ấu chúa Lưu Thiện vượt vòng vây của địch, chém gãy 2 lá cờ to, cướp 3 ngọn giáo, cướp được gươm Thanh Cang, trước sau giết được hơn 50 tướng Tào.

    Hình vẽ Triệu Vân

    Hình vẽ Triệu Vân

  9. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  10. Sái
    Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.

    Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.

  11. Cao Biền
    Một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh...
  12. Gia Cát cầu phong
    Một điển tích được trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung nhưng không có thật trong lịch sử. Theo đó, Lưu Bị và Tôn Quyền liên minh với nhau chống lại quân Tào Tháo với danh nghĩa triều đình. Chu Du muốn dùng hỏa công để phá thủy quân của Tào Tháo, nhưng không có gió thuận vì bấy giờ là mùa đông. Cuối cùng trước khi trận Xích Bích diễn ra, Khổng Minh lập đàn cầu gió. Trời liền nổi gió Đông, thuyền của quân Tào bắt lửa cháy rụi.
  13. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  14. Trận Xích Bích
    Một trận đánh lớn diễn ra vào mùa đông năm 208, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong trận này, liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị đã đánh bại 80 vạn binh của Tào Tháo bằng hỏa công, mở đầu định hình thế chân vạc chia ba thiên hạ. Trận Xích Bích đã được tiểu thuyết hóa trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung với các tình tiết hư cấu như Gia Cát lập đàn cầu phong, thuyền cỏ mượn tên...
  15. Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, sau khi bại trận Xích Bích, Tào Tháo dẫn tàn quân tháo chạy, nhưng liên tục bị các cánh quân của Lã Mông, Lăng Thống, Cam Ninh, Triệu Vân, Trương Phi phục kích đổ ra đánh, trước khi bị quân của Quan Vân Trường chặn lại ở đường hẻm Hoa Dung. Tại đây Tào Tháo đã phải van xin Quan Vũ "vì tình xưa nghĩa cũ" mà tha mạng. Chi tiết này không có thật trong lịch sử.
  16. Sứ
    Một chức quan cai trị người Pháp đứng đầu trong một tỉnh dưới thời Pháp thuộc.
  17. “Đồn lầu” nói lái lại thành “đầu l…”
  18. Chấp sự giả các tư kì sự dã
    Nguyên là “Chấp sự giả các tư kì sự,” nghĩa là (mời) những người chấp sự (người phục vụ việc dâng rượu, dâng hương, phúng văn tế…) vào vị trí công việc của mình. Đây là một câu thông xướng vào đầu các nghi lễ ở làng xã.
  19. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu dã nan tàng
    Một câu trong sách Minh Tâm Bửu Giám, có nghĩa là: Làm điều thiện hay điều ác thì sớm muộn cũng đều có báo ứng, cao bay xa chạy cũng khó trốn thoát.
  20. Không dạ oán thiên
    Không (có lòng) căm hận ông trời.
  21. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  22. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  23. Hẵm
    (Đất) lõm khuyết vào, tạo thành dốc đứng.
  24. Lài
    Thoai thoải.
  25. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  26. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  27. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  28. Ăn đong
    Ăn bằng gạo mua từng bữa vì túng thiếu.