Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  2. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  3. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  4. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  5. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  6. Ô môi
    Một loại cây thân gỗ có hoa màu cam đỏ, rất quen thuộc ở miền Tây Nam Bộ. Trái ô môi hình trụ dài tới 60cm, có màu đen khi chín, có nhiều ngăn, trong mỗi ngăn có một hạt màu nâu nhạt, dẹp và cứng. Thịt quả ăn tươi được, hạt có thể ngâm nước cho mềm để nấu chè.

    Quả và hạt ô môi

    Quả và hạt ô môi

  7. Duyên nợ từ trước. Trong câu này hàm ý là "ngày trước."
  8. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  9. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  10. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  11. Sóc Trăng
    Một tỉnh ven biển nằm ở hạ nguồn sông Hậu, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng với chùa Đất Sét và chùa Dơi. Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ," "cõi," Kh'leang là "kho," "vựa," "chỗ chứa bạc." Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng.

    Chùa Dơi

    Chùa Dơi

  12. Vàm Tấn
    Còn gọi là Vàm Đại Ngãi, tên cũ của thị trấn Đại Ngãi thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Từ trước khoảng năm 1858, đây là nơi triều đình nhà Nguyễn đặt làm trạm quân cảng vừa trấn thủ về mặt quân sự, vừa là nơi thu thuế của các tàu buôn.

    Có ý kiến cho rằng tên gọi Vàm Tấn bắt nguồn từ chữ Khmer là "Peám Senn" (Peám: Vàm, Senn: Tấn). Theo một tư liệu khác, Vàm Tấn có thể bắt nguồn từ chữ Peam Mé Sên, tên một công chúa của vương quốc Lào, cùng chị là Mé Chanh từng sinh sống ở đất này. Người dân địa phương vì tôn kính nên lấy tên Mé Sên đặt cho vùng này. Mé Chanh cũng được Việt hóa thành Mỹ Thanh, tên một cửa sông lớn của con sông Cổ Cò ngày nay.

  13. Từng
    Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Cậy
    Nhờ giúp đỡ, nhờ vả.

    Cậy em em có chịu lời
    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

    (Truyện Kiều)

  16. Mai dong
    Người làm mai, được xem là dẫn (dong) mối để trai gái đến với nhau trong việc hôn nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Xe kéo
    Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.

    Xe kéo

    Xe kéo

    Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
    Ông chồng thương đến cái xe tay

    (Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)

  18. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  19. Điếu cày
    Một loại điếu để hút thuốc lào, phổ biến trong giới bình dân. Điếu cày làm bằng một khúc ống tre hoặc nứa dài non nửa mét, khoét lỗ nhỏ để tra nõ điếu gọt bằng gỗ. Hút bằng điếu cày vị thuốc rất đậm.

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

    Hút thuốc lào bằng điếu cày

  20. Tửng
    Người con trai, thằng nhỏ (từ tiếng Hán đinh, đọc giọng Quảng Đông).
  21. A nả
    Xinh đẹp (tiếng Quảng Đông).
  22. Chó ăn mồm
    Chửi hạng hỗn hào, gặp không biết chào hỏi ai.
  23. Áo tứ thân
    Một trang phục xưa của phụ nữ Miền Bắc Việt Nam. Áo được sử dụng như trang phục hàng ngày đến đầu thế kỷ 20. Ngày nay, áo tứ thân chỉ được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống.

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

    Phụ nữ mặc áo tứ thân

  24. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  26. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  27. Ngầu
    (Chó) vồ cắn, gầm gừ.
  28. Họ Hồ làm quan, họ Đoàn làm giặc
    Hai dòng họ ở làng An Truyền (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), họ Hồ có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan (Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Di...), trong khi họ Đoàn có anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng loạn "giặc chày vôi" dưới thời vua Tự Đức (xem thêm).
  29. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  30. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  31. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  32. Ba ba
    Động vật họ rùa mai mềm, thường có kích cỡ nhỏ hơn rùa, sống ở các vùng nước ngọt (hồ, ao, sông ngòi, đầm, v.v.). Ở nước ta có 5 loài rùa mai mềm: ba ba Nam Bộ, ba ba gai, giải, ba ba trơn, và giải sin hoe. Ba ba có bốn chân, không có đuôi, đầu có vẩy nhỏ, miệng nhiều răng.

    Con ba ba

    Con ba ba

    Hướng dẫn định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 2010)