Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chánh tổng
    Gọi tắt là chánh, chức quan đứng đầu tổng. Cũng gọi là cai tổng.
  2. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  3. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  4. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Đàn tranh
    Một loại đàn truyền thống của Việt Nam. Đàn tranh có thân bằng gỗ, dây đàn bằng kim loại (xem hình dưới). Trước kia, đàn tranh có 16 dây, sau này được nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo cải tiến thành đàn tranh 17 dây.
    Nghe nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo chơi đàn tranh ở đây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Đàn tranh 17 dây.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

    Người ngồi chơi đàn tranh.

  6. Phố Dương
    Một huyện cổ thuộc quận Cửu Đức (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Đời Tấn Vũ Đế tách lập huyện Phố Dương thành hai làng là Phố Châu và Phúc Dương, nay thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  7. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  8. Trù
    Trầu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  9. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  10. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhứt Nọc hoặc con Nhứt Trò.
  12. Trèm
    Cháy xém.
  13. Hèm
    Bã còn lại sau khi đã chưng cất rượu bia, màu trắng đục, mùi rất nồng, thường dùng cho lợn ăn. Người nghiện rượu thường được gọi là hũ hèm.

    Nấu rượu

  14. Hòn Chồng
    Một bãi đá với nhiều khối lớn được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Gần Hòn Chồng có một cụm đá khác có hình dáng một người phụ nữ ngồi nhìn ra biển, gọi là Hòn Vợ.

    Hòn Chồng

    Hòn Chồng

  15. Hòn Yến
    Tên gọi chung cho Hòn Nội và Hòn Ngoại, hai hòn đảo có nhiều tổ yến của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang chừng 300 km. Đây cũng là địa điểm du lịch có tiếng của Nha Trang.

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

    Bãi tắm đôi ở Hòn Nội

  16. Tháp Po Nagar
    Thường gọi là Tháp Bà, một ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang, Khánh Hoà, nay thuộc phường Vĩnh Phước, thờ nữ vương Po Ina Nagar. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất, cao khoảng 23 mét.

    Tháp Bà là biểu tượng văn hoá của tỉnh Khánh Hoà, với lễ hội Tháp Bà hằng năm thu hút rất nhiều khách thập phương.

    Tháp Bà (Po Nagar)

    Tháp Bà (Po Nagar)

  17. Sinh Trung
    Một ngọn núi nằm trong lòng thành phố biển Nha Trang, Khánh Hoà, gần cầu Hà Ra. Trên ngọn núi này trước đây có một ngôi miếu thờ thần được xây dựng từ năm Ất Mão (1795), nay trở thành Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự, nhân dân quen gọi là chùa Kỳ Viên.

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

    Vườn tượng chùa Kỳ Viên

  18. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Cù Huân
    Dân gian còn gọi là cửa Lớn, cửa biển nơi con sông Cái đổ ra biển, nay thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Huyện Diên Khánh là địa bàn hoạt động và chiến đấu của nghĩa quân Trịnh Phong, một thủ lĩnh kháng Pháp của phong trào Cần Vương.
  20. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  21. Liệt nữ
    Người phụ nữ có khí phách anh hùng, không chịu khuất phục.
  22. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  23. Cẩm tú
    Gấm thêu (từ Hán Việt), thường dùng để ví cảnh thiên nhiên tươi đẹp hoặc văn thơ hay.

    Mai sinh là bậc thiên tài,
    Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.
    (Nhị Độ Mai)

  24. Ăn bánh quên vợ, ngậm cơm quên mép
    Ham cái lợi nhỏ trước mắt mà bỏ mất cái lợi ích quan trọng.
  25. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  26. Tày
    Bằng (từ cổ).
  27. Đắc nghĩa
    Trọn nghĩa.
  28. Họ mạc
    Bà con họ hàng.
  29. Bén
    Chạm vào, quen với, gắn bó với.

    Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
    Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén

    (Lá thư ngày trước - Vũ Hoàng Chương)

  30. Cầm bằng
    Kể như, coi như là (từ cũ).
  31. Câu đối
    Một thể loại sáng tác văn chương có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm hai vế đối nhau - nếu từ một người sáng tác gọi là vế trênvế dưới, nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra (vế xuất)vế đối. Câu đối thường biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nhân dân ta có phong tục viết hoặc xin câu đối trong các dịp lễ tết để cầu hạnh phúc, may mắn.

    Câu đối

    Câu đối

    Một đôi câu đối chữ Hán:

    Bảo kiếm phong tùng ma lệ xuất
    Mai hoa hương tự khổ hàn lai

    nghĩa là:

    Hương hoa mai đến từ giá lạnh
    Kiếm sắc quý là bởi giũa mài.

  32. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  33. Có bản chép: Nhớ răng.
  34. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  35. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  36. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  37. Hồi
    Quay về (từ Hán Việt).
  38. Cố hương
    Quê cũ (từ Hán Việt).

    Sao chưa về cố hương?
    Chiều chiều nghe vượn hú
    Hoa lá rụng buồn buồn
    Tiễn đưa về cửa biển
    Những giọt nước lìa nguồn

    (Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam)

  39. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  40. Rẫy
    Ruồng bỏ, xem như không còn tình cảm, trách nhiệm gì với nhau.
  41. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy

  42. Quán Gánh
    Tên một làng cũ nay thuộc địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội (Hà Tây cũ). Tên làng gắn liền với đặc sản bánh giầy Quán Gánh hay được bày bán dọc quốc lộ 1 tuyến Hà Nội - Hà Nam. Nhà văn Vũ Bằng có nhắc đến món này trong Miếng ngon Hà Nội, nhưng chê:

    "Nhưng bánh này [bánh khoái] ngon và được chuộng, một phần lớn cũng vì có bánh giầy cắt nhỏ - thứ bánh giầy Mơ, ăn mềm mà có rắc đậu ở trên mặt, chứ không phải là thứ bánh giầy to, nhẵn, bóng những mỡ, rất phổ thông hiện giờ, mà người ta vẫn gọi là bánh giầy Quán Gánh."

    Bánh giầy Quán Gánh

    Bánh giầy Quán Gánh