Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  3. Khinh
    Nhẹ, coi nhẹ (từ Hán Việt).
  4. Mựa
    Chớ, đừng (từ cổ).

    Chăn dân mựa nữa mất lòng dân
    (Nguyễn Trãi)

  5. Tửu điếm
    Quán rượu (từ Hán Việt).
  6. Trà đình
    Quán trà (từ Hán Việt).
  7. Luân
    Chuyển động có chu kỳ; Xoay đảo, chuyển đổi (từ Hán Việt).
  8. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  10. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  11. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  12. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  13. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  14. Hòn Khói
    Một bán đảo nằm cách thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà chừng 10km về hướng Đông Bắc. Có tài liệu chép rằng xưa kia tại đây là cửa biển quan trọng, triều đình nhà Nguyễn cho đặt quan trấn phòng ngự, trên đỉnh núi có chất củi khô, khi nào có giặc bể vào cướp bóc thì quan trấn ra lệnh đốt lửa un khói làm hiệu để gọi quân tiếp viện. Vì vậy nơi này có tên là Hòn Khói, tên chữ là Yên Cang.

    Ngày nay, Hòn Khói là một bán đảo đẹp, cảnh quan hấp dẫn, nơi có nhiều chim yến làm tổ của tỉnh Khánh Hoà, đồng thời cũng là vựa muối của cả nước.

    Ruộng muối ở Hòn Khói

    Ruộng muối ở Hòn Khói

  15. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  16. Ai hoài
    Buồn thương và nhớ da diết (từ cũ, dùng trong văn chương).
  17. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  18. Thám hoa
    Học vị của người đỗ thứ ba trong khoa thi Đình thời phong kiến (sau Trạng nguyên và Bảng nhãn).
  19. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  20. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  21. Tổng đốc
    Chức quan đứng đầu bộ máy cai trị một tỉnh lớn hoặc vài tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, mang hàm tòng nhất phẩm hoặc chánh nhị phẩm.

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

    Vợ chồng Tổng đốc tỉnh Hà Đông ngày trước

  22. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  23. Án sát
    Chức quan đứng đầu ty Án sát, trông coi việc hình (luật lệ, xét xử) trong một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn, thuộc hàng tam phẩm.
  24. Ninh Bình
    Một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vùng đất này từng là kinh đô nước ta vào thế kỉ 10, là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Tây Sơn. Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình và lịch sử văn hóa, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

    Cố đô Hoa Lư

    Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

  25. Tuần phủ
    Chức quan đứng đầu một tỉnh nhỏ dưới thời nhà Nguyễn.
  26. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  27. Tri phủ
    Chức quan đứng đầu một phủ hoặc châu (tương đương với một huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn), có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt đó.
  28. Quảng Bình
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

    Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...

    Vường quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

  29. Răng vàng
    Trong quá trình nhuộm răng đen, bước đầu răng có màu cánh gián (hơi ánh màu vàng đất), nếu nhuộm tiếp thì mới có màu đen. Một số người không muốn nhuộm nữa, để màu vàng, nên gọi là răng vàng.