Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Một chọi một lên cột đồng hồ
    Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng "điểm hẹn" đánh nhau của thanh niên Hà Nội ngày xưa là cột đồng hồ ở giao lộ Hàng Muối, Hàng Chĩnh... nay là nút giao thông cầu Chương Dương. Có thể đó chỉ là địa điểm trước 1954, vì theo Nguyễn Ngọc Tiến trong Đi dọc Hà Nội: "Trước khi khánh thành cầu Long Biên, đốc lý Pretre Charles (giữ chức vụ này từ ngày 1.8.1901 đến 21.11.1901) cho lắp chiếc đồng hồ ngoài trời đầu tiên ở đầu phố Hàng Đậu, tiếp đó ở quảng trường Đông Kinh nghĩa thục hiện nay, rồi Cửa Nam, cổng Bảo tàng Lịch sử, ngã tư Sở... [...] Từ sau 1954, an ninh trật tự rất nghiêm ngặt, cứ có đánh nhau là dân đi báo công an và công an bắt cả vào đồn. Cột đồng hồ đầu phố Hàng Đậu lúc nào cũng đông đúc người qua lại và cạnh đó có bốt công an gác cầu nên thanh niên không bao giờ đánh nhau ở đây. Địa điểm hẹn đánh nhau chính là cột đồng hồ trước Bảo tàng Lịch sử, khu vực này không có nhà dân lại thưa vắng người qua lại."

    Cột đồng hồ ở phố Hàng Muối đầu thế kỉ 20

    Cột đồng hồ ở phố Hàng Muối đầu thế kỉ 20

  2. Sơn Tịnh
    Tên một huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có núi Thiên Ấn, một trong hai biểu tượng của tỉnh (cùng với sông Trà Khúc tạo thành cặp núi Ấn - sông Trà).

    Núi Ấn

    Núi Ấn

  3. Núi Chân Trâu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Núi Chân Trâu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  4. Bàu Ông Xá
    Têm một bàu nước thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tương truyền ông Xá là người đã đưa dân đến hai làng An Thiết (xã Tịnh Bình) và Lâm Lộc (xã Tịnh Hà) rồi khuyến khích họ chăm lo các nghề làm thủ công khéo tay bên cạnh nghề làm ruộng như làm nón, chế tác sừng. Hai nghề này vẫn tiếp tục phát triển và tồn tại đến nay.
  5. Có bản chép: cầu Rừng Xanh. Cả hai địa danh này đều chưa được xác định.
  6. Xống
    Váy (từ cổ).
  7. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  8. Sa cơ
    Lâm vào tình thế rủi ro, khốn đốn.
  9. Bôn tẩu
    Chạy ngược xuôi để mưu cầu việc gì.
  10. Cơm khô là cơm thảo, cơm nhão là cơm hà tiện
    Cùng một lượng gạo, nếu nấu nhão sẽ được nhiều cơm hơn, tiết kiệm hơn.
  11. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  12. Xúp lê
    Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
  13. Xe lửa Sài Gòn
    Vào đầu thế kỉ 20, người Pháp đã tiến hành xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt hoàn chỉnh kết nối Sài Gòn với những tỉnh thành phụ cận. Cuối năm 1881, hệ thống xe lửa nhẹ nối liền hai khu vực chính của thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu họat động, ban đầu chạy bằng hơi nước, sau đó chạy bằng điện. Mạng lưới này dần dần được mở rộng, lan tới Gò Vấp rồi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một.
    Nổi tiếng hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 70 kí-lô-mét, khởi hành từ chợ Bến Thành, quan Bình Chánh, Bến Lức, Tân An rồi đến ga chính ở Mỹ Tho (gần vườn hoa Lạc Hồng ngày nay). Vào thời gian đầu, khi chưa có cầu Bến Lức và cầu Tân An, cả đoàn tàu phải xuống phà đế băng qua hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuyến đường này khánh thành vào giữa năm 1885, tồn tại 73 năm, đến năm 1958 thì ngừng hoạt động.
    Nhiều dấu tích của mạng lưới đường sắt nội thị ngày xưa cũng như của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho như đường rày, cầu, giếng nước vẫn còn tồn tại.

    Xe lửa nhẹ (tramway) nối liền Sài Gòn - Gia Định

  14. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  15. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  16. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  18. Lượt
    Một loại vải dệt thưa từ tơ tằm, mượt, rất mịn và mềm, thường nhuộm đen để may khăn hay may áo.
  19. Bánh phồng
    Tên chung của các loại bánh được làm từ bột ngũ cốc kết hợp gia vị, phụ gia, sau đó được chiên phồng trong mỡ nước hay dầu ăn. Bánh phồng có nhiều loại, trong đó phổ biến là bánh phồng mì, bánh phồng nếp, bánh phồng tôm, bánh phồng vẽ...

    Bánh phồng tôm

    Bánh phồng tôm

  20. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  21. Mỹ Lồng
    Còn gọi là Mỹ Luông, một cái chợ có từ lâu đời, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Sách Gia Định thành thông chí chép: "Nơi bờ phía bắc (sông Bến Tre) là chợ Mỹ Luông (tên cũ của chợ Mỹ Lồng) phố xá liền lạc, người buôn bán tụ hội đông đảo." Nơi đây nổi tiếng với đặc sản bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, được chia làm nhiều loại: bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh ngang chỉ có dừa không sữa; bánh sữa không dừa...

    Bánh tráng Mỹ Lồng

    Bánh tráng Mỹ Lồng

  22. Sơn Đốc
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nổi tiếng với đặc sản bánh phồng.

    Bánh phồng Sơn Đốc

    Bánh phồng Sơn Đốc

  23. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  24. Hàm Luông
    Một trong các nhánh của sông Tiền, là ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và Minh, dài 70 km, chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre. Trên sông có những cù lao hoặc cồn đất nổi tiếng như: cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Lăng, cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Đất, cồn Hố, cồn Lợi... Theo học giả An Chi, chữ Luông trong địa danh này chính là âm gốc của chữ Long (rồng).

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

    Cầu bắc qua sông Hàm Luông

  25. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  27. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  28. Cầm
    Giao tài sản cho người khác làm tin để vay tiền.
  29. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  31. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  32. Dừ
    Giờ, bây giờ. Còn đọc là giừ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  33. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  34. Tề
    Một nước thuộc thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ khoảng thế kỷ 11 đến năm 221 trước Công nguyên.
  35. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.