Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chay
    Một loại cây to cùng họ với mít, được trồng ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng rừng núi miền Trung. Quả chay có múi, khi chín có màu vàng ươm, ruột màu đỏ, vị chua, có thể ăn tươi hoặc dùng kho với cá, cua. Vỏ hoặc rễ cây dùng để ăn trầu hoặc làm thuốc nhuộm.

    Quả chay

    Quả chay

  2. Rệt
    Rượt, đuổi bắt (phương ngữ).
  3. Liệt
    Mỏi mệt, rã rời.
  4. Nỏ
    Một loại vũ khí cổ truyền thường được dùng trong săn bắn và chiến tranh trước đây. Một chiếc nỏ đơn giản gồm một cánh nỏ nằm ngang hơi cong, đẽo từ một loại gỗ có sức đàn hồi cao, lắp vào báng nỏ có xẻ rãnh để đặt mũi tên. Trước khi bắn, cánh nỏ bị uốn cong bằng cách kéo căng và gài dây cung vào lẫy nỏ. Khi bóp cò, sức đàn hồi của cánh nỏ bắn mũi tên ra với sức đâm xuyên lớn và độ chính xác cao. Cây nỏ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, bắn một phát ra nhiều mũi tên đồng, đánh lui quân xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều dân tộc Tây Nguyên đã dùng nỏ giết được nhiều quân địch.

    Ở một số vùng, nỏ cũng được gọi là ná (lưu ý phân biệt với cái bắn đạn sỏi).

    Bắn nỏ

    Bắn nỏ

  5. Chạc
    Dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, ngắn và nhỏ hơn dây thừng.
  6. Trầu xà lẹt
    Một loại trầu cho lá mỏng, dài nhọn như lá tiêu, màu hơi vàng, vị cay nồng và chát.
  7. Kền kền
    Cũng có tên là kên kên, đôi khi viết thành kênh kênh hoặc kềnh kềnh, một loài chim ăn thịt và xác chết. Trong văn chương, kền kền thường được dùng tượng trưng cho những người độc ác và cơ hội.

    Kền kền

    Kền kền

  8. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  9. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  10. Thối
    Thoái (lùi lại).
  11. Thắng về nội, thối về ngoại
    Cái gì tốt lành, đẹp đẽ thì bên nội được hưởng, khi sa cơ lỡ vận thì về bên ngoại.
  12. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  13. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Gối.
  14. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  15. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  16. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Cẳng.
  19. Mược
    Mặc kệ (phương ngữ miền Trung).
  20. Sơ mi
    Áo may kiểu Âu phục bằng vải mỏng nhẹ, có thể tay dài hoặc ngắn. Từ này có gốc tiếng Pháp chemise.