Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lý Thần phi
    Một phi tần của vua Tống Chân Tông đời nhà Tống, Trung Quốc. Trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Lý Thần phi nổi tiếng với câu chuyện "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử," theo đó khi bà sinh hạ thái tử thì Lưu Hoàng hậu cùng hoạn quan Quách Hòe đánh tráo thái tử bằng một con ly miêu (con lửng), nói rằng "Lý thị sinh hạ yêu nghiệt." Bà bị đuổi khỏi cung, lưu lạc mấy mươi năm, đến cuối đời mới gặp được Bao Công và được minh oan.
  2. Bao Công
    Tên thật là Bao Chửng, cũng gọi là Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, làm quan dưới thời Tống Nhân Tông, Trung Quốc. Ông nổi tiếng thanh liêm, nghiêm minh, được nhân dân suy tôn là Bao Thanh Thiên (trời xanh). Hình tượng Bao Công trong dân gian được khắc họa là một người mặt đen, trán có hình trăng lưỡi liềm, được nhiều người tài như Công Tôn Sách, Triển Chiêu, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ theo phò tá. Tuy nhiên, đa số những chi tiết này không có thật trong lịch sử.

    Một hình vẽ Bao Công

    Một hình vẽ Bao Công

  3. Vọng Phu
    Hình tượng người phụ nữ bồng con đứng trên đỉnh núi chờ chồng rồi sau hóa thành đá, rất thường gặp trong văn học dân gian. Trên khắp đất nước ta có rất nhiều đỉnh núi được mang tên là núi Vọng Phu hoặc đá Vọng Phu.
  4. Núi Nhồi
    Một ngọn núi nay thuộc địa phận thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trên đỉnh núi có một cột đá cao khoảng 20 m, giống hình một người phụ nữ bế con, nhân dân gọi là Hòn vọng phu. Dưới chân núi Nhồi là làng Nhồi (gồm có Nhồi Thượng và Nhồi Hạ) có nghề chạm khắc đá từ thời nhà Lý.

    Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi (ảnh: Lê Dậu)

    Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi (ảnh: Lê Dậu)

  5. Chinh phụ
    Vợ của người đi ra trận (từ Hán Việt).
  6. Hạnh
    Trong ca dao, chữ hạnh ghép với các danh từ khác (như buồm hạnh, buồng hạnh, phòng hạnh, vườn hạnh, ...) thường dùng để chỉ những vật thuộc về người phụ nữ, trong các ngữ cảnh nói về sự hi sinh, lòng chung thủy, hay những phẩm hạnh tốt nói chung của người phụ nữ. Có thể hiểu cách dùng như trên bắt nguồn từ ý nghĩa chung của từ hạnhnết tốt.
  7. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  8. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  9. Canh nông
    Làm ruộng (từ Hán Việt).
  10. Năn
    Cũng viết là năng, còn gọi là mã thầy, một loại cỏ mọc hoang trên những cánh đồng ngập nước. Phần củ ăn được, lá được dùng làm vị thuốc.

    Củ năn (năng)

    Củ năn (năng)

  11. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  12. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  13. Sông Vịnh
    Cũng gọi là sông Cửa Khẩu, tên một đoạn sông nhỏ ở Hà Tĩnh do sông Kinh từ phía Bắc, sông Trí từ phía Tây và sông Quyền từ phía Nam tạo thành. Sông dài khoảng 10 km, nay thuộc địa phận xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh.
  14. Hồng Lĩnh
    Tên dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, cùng với sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An). Theo một số nghiên cứu, đây là cố đô của Việt Thường, thủy tổ của dân tộc ta, trước khi dời về dãy Nghĩa Lĩnh, bắt đầu thời đại các vua Hùng.

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

  15. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  17. Bỉ bàng
    Bẽ bàng (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Côn Bằng
    Cũng gọi là Bằng Sơn, dân gian gọi là rú (núi) Bờng, một ngọn núi cao 230m thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh . Trên núi có mộ tổ Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh.
  19. Quỳnh Viên
    Tên chữ là Nam Giới, cũng gọi là rú (núi) Bể hoặc rú Sót, một dãy núi thuộc địa bàn xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh . Trên núi có đền Chiêu Trưng thờ danh tướng Lê Khôi, khai quốc công thần nhà Lê sơ.

    Đền Chiêu Trưng trên núi Quỳnh Viên

    Đền Chiêu Trưng trên núi Quỳnh Viên

  20. Rú Bin
    Một ngọn núi (rú) đá phấn nhỏ thuộc địa phận xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
  21. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Gin
    Gần (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  23. Rú Mã
    Cũng nói và viết là rú Mả, một ngọn núi nhỏ hình yên ngựa (mã) thuộc địa phận xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, trên trồng nhiều chè.
  24. Chin
    Chân (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  25. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  26. Chùa Hương
    Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. Trung tâm của cụm đền chùa này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi.

    Trẩy hội chùa Hương

    Trẩy hội chùa Hương

  27. Thầu dầu
    Một loài cây cùng họ với sắn (khoai mì), lá có cuống dài, quả có gai, chứa hạt có chất dầu dùng làm dầu xổ, dầu thắp. Thầu dầu tía còn có tên là đu đủ tía.

    Cây thầu dầu

    Cây thầu dầu

  28. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  29. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  30. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  31. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  32. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  34. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  35. Công hầu
    Công và hầu, nghĩa gốc là hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  36. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  37. Bừa
    Nông cụ dùng sức kéo để làm nhỏ, làm nhuyễn đất, san phẳng ruộng hoặc làm sạch cỏ, có nhiều răng để xới, làm tơi đất. Bừa thường được kéo bởi người, trâu bò, ngựa, hoặc gần đây là máy kéo.

    Đi bừa ruộng với chiếc bừa

    Bừa ruộng

  38. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  39. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  40. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  41. Vật phi nghĩa bất thủ
    Vật trái đạo lí thì không lấy (thành ngữ Hán Việt).
  42. Nhơn phi nghĩa bất giao
    Người không có đạo đức thì không kết giao (thành ngữ Hán Việt).
  43. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  44. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)