Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  2. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  3. Bén
    Chạm vào, quen với, gắn bó với.

    Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
    Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén

    (Lá thư ngày trước - Vũ Hoàng Chương)

  4. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  5. Duyên túc đế
    Duyên do trời định sẵn từ trước. Do câu: Lương duyên do túc đế, giai ngẫu tự thiên thành (Duyên lành do có cội gốc trước, chuyện đôi lứa là do trời định nên).
  6. Cỏ đế
    Loại cỏ thân cao (có thể cao đến 3m), lớn bằng ngón tay út, có đốt. Cỏ đế thường mọc thành bụi rậm hoặc thành trảng ở miền Trung.
  7. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  8. Có bản chép: Trách ai tham giấy.
  9. Ngài
    Người (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Tràng Lưu
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, từ xưa đã là một vùng đất văn vật. Gái Tràng Lưu thông minh, xinh đẹp, nết na có tiếng.
  11. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  12. Thủ
    Đầu (từ Hán Việt).
  13. Thân nhân
    Người thân, người trong gia đình (từ Hán Việt).
  14. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  15. Bển
    Bên đó (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  17. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  18. Biển Hồ
    Tên nhân dân ta thường dùng để gọi hồ Tonlé Sap, một hồ nước ngọt rộng lớn thuộc Campuchia. Từ thời Pháp thuộc, nhiều người dân Việt Nam đã đến đây lập nghiệp và sinh sống, tạo thành cộng đồng người Việt khá đông đúc cho đến bây giờ.

    Biển Hồ

    Biển Hồ

  19. Sầu riêng
    Loại cây ăn quả thường gặp ở Nam Bộ, vỏ dày, có nhiều gai, cơm quả màu vàng nhạt và có mùi rất đặc biệt. Nổi tiếng nhất có lẽ là sầu riêng Cái Mơn, thuộc tỉnh Bến Tre. Tên gọi sầu riêng bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer thurien.

    Quả sầu riêng

    Quả sầu riêng

  20. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  21. Cơm tấm
    Cơm được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Ngày nay cơm tấm đã trở thành món ăn quen thuộc, được coi là đặc sản của miền Nam.

    Cơm tấm

    Cơm tấm

  22. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  23. Lầu hồng
    Nơi ở của phụ nữ quyền quý thời xưa (từ cũ).

    Thiếp danh đưa đến lầu hồng
    Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa

    (Truyện Kiều)

  24. Rau bát
    Một loại dây leo thuộc họ bầu bí, sống rất khỏe, mọc hoang và được trồng ở bờ rào lùm cây. Dây bát có nhiều nhánh, tua cuốn, phiến lá dầy hình tim ngũ giác, hoa trắng, quả như trái dưa chuột nhỏ, khi chín có màu đỏ. Có hai loại rau bát là “bát cái” dây nhỏ nhiều lá, đọt được hái làm rau ăn, và “bát đực” ít lá, được thái lát phơi khô, sao qua làm thuốc nam.

    Rau bát

    Rau bát

  25. Rau sam
    Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.

    Rau sam

    Rau sam

  26. Quán La Xã
    Một làng cổ, xưa có tên là đỗng (hay động) Già La (hay Dà La), lấy theo tên quán Dà La thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, một trong bốn vị thần trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long ngày xưa. Quán thờ này lại lấy tên từ sông Dà La (sông Thiên Phù) chảy phía sau (sông này nay đã bị bồi lấp). Ngày nay Quán La Xã là một phần của phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.
  27. Phú Gia
    Tên nôm là làng Gạ, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê...
  28. Phú Xá
    Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.