Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tri Tôn
    Địa danh nay là một huyện miền núi thuộc tỉnh An Giang. Tại đây có thắng cảnh đồi Tức Dụp, di tích chùa Xà Tón, và nhất là nhà mồ Ba Chúc, nơi tưởng niệm các nạn nhân của cuộc thảm sát do Khmer Đỏ gây ra.

    Một cánh đồng ở Tri Tôn

    Một cánh đồng ở Tri Tôn

  2. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  3. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  4. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  5. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  6. Áo xông huơng
    Áo gấm và áo thêu của hoăc người quyền quí và giàu có thời xưa ở nước ta thường không được giặt mà được cất trong hòm gỗ bằng trầm hương hoặc xông bằng cách đốt trầm cho thơm.
  7. Song đường
    Thung đườnghuyên đường, chỉ cha và mẹ (từ Hán Việt).
  8. Mai dong
    Người làm mai, được xem là dẫn (dong) mối để trai gái đến với nhau trong việc hôn nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  10. Đã trót ăn của người ta, chịu ơn người ta rồi thì dù thấy lầm lỗi của người ta cũng khó nói ra (ngọng miệng).
  11. Cò bợ
    Một giống cò có mỏ vàng với đầu mỏ đen, chân và mắt màu vàng. Bình thường cò bợ có bộ lông màu xám, đến mùa sinh sản thì chuyển sang màu đỏ, xanh và trắng.

    Cò bợ

    Cò bợ

  12. Sông Dinh
    Một nhánh nhỏ của sông Đà Rằng, chảy quanh thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên. Hiện sông đã bị bồi lấp. Chú ý: phân biệt với một số con sông ở các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tên là sông Dinh.
  13. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  14. Gành Hàu
    Địa danh nay thuộc thôn Tân Hòa, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phía ngoài Gành Hàu là cù lao Mái Nhà.
  15. Rau câu
    Một loại rong biển, là nguyên liệu chính để làm các món rau câu, thạch, xu xoa... Người dân ven biển những vùng có nhiều rau câu thường vớt rau câu bán.

    Rau câu

    Rau câu

  16. Thủy tề
    Chỗ nước sâu, nơi ở của vị thần sông biển (còn gọi là thần Thủy Tề).
  17. Ăn như Thủy Tề đánh vực
    Ăn khoẻ và mau chóng như vua Thủy Tề đánh vỡ đê và xoáy thành vực sâu, chỉ trong chớp mắt là xong. (Tục ngữ lược giải - Lê Văn Hòe)
  18. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  19. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Bạch Đằng
    Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...

    Mô hình miêu tả trận Bạch Đằng năm 938

    Mô hình trận Bạch Đằng năm 938

  21. Hà Nam
    Tên một tổng nay thuộc địa phận thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, xưa kia là một bãi bồi ở cửa sông Bạch Đằng. Trong trận Bạch Đằng thời nhà Trần, thuyền giặc bị vướng cọc nhọn ở bãi ngầm dưới sông, một số hoảng loạn bỏ thuyền lên bờ tháo chạy. Quân ta trên bờ phục sẵn cùng quân thủy đuổi theo truy kích, tiêu diệt nốt tại bãi sông này.
  22. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  23. Lý Sơn
    Địa danh nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cụm đảo gồm Lý Sơn (tên dân gian là cù lao Ré), hòn Bé (cù lao Bờ Bãi) nằm ở phía Bắc, và hòn Mù Cu ở phía Đông. Trong số ba đảo này thì cù lao Ré là đảo lớn nhất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

    Đây là một địa điểm du lịch rất đẹp, đồng thời nổi tiếng với đặc sản gỏi tỏi, được mệnh danh là "vương quốc tỏi."

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn