Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nam Định
    Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...

    Đền Trần ở Nam Định

    Đền Trần ở Nam Định

  2. An Khê
    Tên một cái đèo giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, đồng thời cũng là tên một trong hai thị xã của tỉnh Gia Lai. Khu vực An Khê đồi núi trập trùng, hiểm trở, nên được nghĩa quân Tây Sơn chọn làm căn cứ địa trong những ngày đầu kháng chiến.

    Đèo An Khê

    Đèo An Khê

  3. Hòn Ông Bình
    Một ngọn núi nhỏ ở chân đèo An Khê, tỉnh Bình Định. Theo Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, 1967, tr.53:

    Hòn Ông Bình nằm phía tây thôn Thượng Giang. Tuy cao chỉ có 793 thước, song trông rất kì vĩ và có vẻ bí hiểm. Cây cối sầm uất, ngó mịt mờ thăm thẳm như không có đường lưu thông. Nhưng sự thật thì có nhiều đường lối ra vào. Nơi triền phía Bắc, có đường đèo đi từ Đồng Hào ở ngả Đông, lên Trạm Gò. Cửu An ở ngả Tây. Đèo này gọi là Đèo Vạn Tuế, tuy ngắn song dốc và đá mọc lởm chởm nên rất khó đi. Ở triên phía Nam có con đường mòn chạy theo hướng Đông Nam để đến đèo An Khê.

  4. Quang Trung Nguyễn Huệ
    (1753 – 1792) Người anh hùng áo vải của dân tộc ta, người lãnh đạo phong trào Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai vương triều chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông là một trong những nhà chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử, với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào.

    Tượng đài hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ

    Tượng đài hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ

  5. Tiền môn
    Cửa trước (từ Hán Việt).
  6. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  7. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  8. Làm không đụng xác, vác không đụng vai
    Làm việc thiếu nhiệt tình, uể oải.
  9. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  10. Nhung
    Hàng dệt bằng tơ hoặc bông, có tuyết phủ mượt ở bề mặt hoặc có sợi làm thành luống đều nhau.

    Nhung

    Nhung

  11. Năm Căn
    Một địa danh thuộc tỉnh Cà Mau, phía Đông tiếp giáp biển Đông, phía Tây tiếp giáp vịnh Thái Lan. Đây là vùng đất thấp, kênh rạch chằng chịt bao bọc những cánh rừng sú vẹt, đước, bần, mắm... với nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng biển vô cùng phong phú.

    Theo truyền miệng trong dân gian thì tên gọi "Năm Căn" đã có từ hơn 200 năm nay. Đầu tiên, có một người Hoa Kiều tên là Chệt Hột đến đây dựng lên năm căn trại đáy, phía trên bờ thì làm rẫy. Công việc làm ăn rất phát đạt do nguồn cá tôm dồi dào và chưa có người khai thác. Thấy có nhiều hoa lợi nên những người Hoa Kiều và người Việt cũng đến đây làm ăn sinh sống, lần hồi trở nên đông đúc. Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường qua lại chỗ này, và người ta căn cứ vào dấu hiệu là dãy trại đáy năm căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh "Năm Căn."

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

    Một ngã ba sông ở Năm Căn

  12. Bánh hỏi
    Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.

    Bánh hỏi thịt heo

    Bánh hỏi thịt heo

  13. Sóc Trăng
    Một tỉnh ven biển nằm ở hạ nguồn sông Hậu, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng với chùa Đất Sét và chùa Dơi. Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ," "cõi," Kh'leang là "kho," "vựa," "chỗ chứa bạc." Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng.

    Chùa Dơi

    Chùa Dơi

  14. Bãi Xàu
    Tên gọi đầu tiên của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay. Đây là một thương cảng lớn hồi đầu thế kỷ 20, được hình thành từ sông Ba Xuyên ăn thông ra sông Hậu, thuận tiện cho ghe xuồng, tàu lớn hoạt động liên tục suốt ngày đêm, là tuyến đường chính ăn thông với các xã huyện nhà, các huyện lân cận và liên tỉnh. Ngoài gạo, nơi đây còn buôn bán nhiều loại trái cây, rau, gà, vịt, heo...

    Giải thích cho tên gọi Bãi Xàu, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển nêu ra mấy giả thuyết sau:
    - Tương truyền ngày xưa người Khmer đang nấu cơm, bỗng nghe tin giặc sắp tới, nên hối hả ăn cơm còn sống để chạy, do đó mới gọi là srok Bày Chau, sau này người Việt đọc chệch thành Bãi Xàu.
    - Khi quân triều đình nhà Nguyễn truy đuổi giặc Xà Na Téa tới đây thì quân giặc bỏ chạy khi đang nấu cơm còn sống.
    - Xưa có người vào rừng đốn củi, nhân đó lấy trứng trong rừng đem luộc nấu cơm ăn. Trứng chưa chín thì cặp rắn thần xuất hiện đòi trứng, người này bỏ chạy. Lúc trở lại, lửa đã tắt, trứng đã được rắn thần lấy đi, nồi cơm thì còn sống. Hiện nay, cạnh miếu ông Ba Thắc ở xóm Chợ Cũ có hang rắn hổ ngựa, đồn rằng là chỗ đó.

  15. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  16. Chuối chát
    Chuối hột lúc còn non, thường được dùng trong các món trộn hoặc rau sống.

    Chuối chát

    Chuối chát

  17. Đại Ngãi
    Một địa danh nay thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Trước đây sông rạch ở Đại Ngãi nổi tiếng nhiều tôm càng, nhưng hiện nay đã bị khai thác gần hết.
  18. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  19. Xe kéo
    Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.

    Xe kéo

    Xe kéo

    Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
    Ông chồng thương đến cái xe tay

    (Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)

  20. Kim thời
    Thời nay (từ Hán Việt), chỉ sự tân tiến, đổi mới (đối lập với lề thói cũ). Nghĩa cũng như "Tân thời".
  21. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  22. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  23. Bảo hoàng hơn vua
    Ủng hộ, bảo vệ cái gì đó một cách mù quáng (vua là người muốn bảo vệ hoàng quyền nhất, nhưng ở đây lại muốn bảo vệ hoàng quyền hơn cả vua).
  24. Nón cụ
    Loại nón quai thao dùng cho cô dâu đội ngày trước.
  25. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  26. Quýt hôi
    Một giống quýt thường trồng ở miền núi, cây to, khỏe, quả có vỏ màu vàng tái, bóng, bóc ra có mùi hắc, ruột chua.